Năm 2022, trữ lượng dầu khí của Việt Nam là 4 tỷ 400 triệu thùng, đứng thứ 25 trên thế giới.



“Dầu khí Việt Nam”

Vũ Tự Lập




Diện tích bể dầu khí Cửu Long khoảng 23000km2, trong đó có hai mỏ Bạch Hổ và Rồng diện tích trên 4000km2, chiều dày trầm tích tới 7km (...) Tính đến hết năm 1997, tại đây đã khai thác được trên 51 triệu tấn dầu, chiếm 95,7% tổng sản lượng dầu khai thác đến năm đó. Dầu chứa trong trầm tích Ô-li-gô-xen - Mi-ô-xen, nhưng gần đây lại phát hiện được dầu cả trong móng gờ-ra-nít, gờ-ra-nô-đi-ô-rít phong hóa nứt nẻ (...) Ngoài hai mỏ trên, trong bể Cửu Long đang triển khai thêm các mỏ Rạng Ðông và Ru-bi.

Diện tích bể chứa Nam Côn Sơn gần 70000km2, bề dày trầm tích tới 10km, với vỉa dầu khí trong trầm tích Ô-li-gô-xen - Mi-ô-xen và cả trong móng phong hóa. Tại đây có mỏ Ðại Hùng đã được khai thác, đến năm 1997 được 2 triệu tấn dầu. Ðang chuẩn bị khai thác thêm mỏ khí Lan Tây - Lan Ðỏ và mỏ khí Rồng Ðôi vào các năm 2000-2001. Chất lượng (...) dầu khí tốt, tương tự như bể Cửu Long, nhưng điều kiện khai thác phức tạp hơn.

Bể dầu khí sông Hồng chiếm phần lớn diện tích vịnh Bắc bộ và một phần biển Trung bộ, kéo dài từ miền võng Hà Nội (phần đất liền của bể dầu khí sông Hồng) theo hướng tây bắc - đông nam cho đến Quảng Ngãi, bề dày trầm tích nơi sâu nhất đến 12km. Triển vọng của bể được chứng minh bởi các phát hiện dầu khí ở phía nam đảo Hải Nam (...) về phía Việt Nam, mới phát hiện và khai thác được khí tự nhiên (...) ở Tiền Hải, Thái Bình (...) bể sông Hồng có tiềm năng khí tự nhiên là chính (trữ lượng đến 290 tỉ mét khối).

Các vùng tiềm năng dầu khí khác, thì cho đến nay chưa có kết quả có ý nghĩa kinh tế. Ðó là bể Phú Khánh, bể Vũng Mây (vùng Tư Chính) và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.

Nói chung, tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam đáng kể (trữ lượng dự báo khoảng 2,5-4,5 tỉ mét khối dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khí chiếm trên một nửa). Nhưng do điều kiện thăm dò và khai thác khó khăn, mà cho đến nay mới phát hiện được khoảng 25-30% trữ lượng dự báo. Trừ mỏ Bạch Hổ, các mỏ đã phát hiện chỉ ở qui mô nhỏ đến trung bình (...)


(Vũ Tự Lập,
Ðịa lý tự nhiên Việt Nam, nxb. Ðại Học Sư Phạm, 2003, tr. 280)