“Giữ quê hương giàu đẹp”

Vũ Tự Lập




Hiếm thấy một nước có diện tích tương đương (...) mà tài nguyên lại đầy đủ (...) như thế. Ðã phát hiện 3500 mỏ và điểm quặng, với 80 loại khoáng sản đã được đánh giá, trong đó có hơn 30 khoáng sản và trên 270 mỏ đã được khai thác. Có trữ lượng lớn là than, bô-xít, sắt, cơ-rô-mít, a-pa-tít, thiếc, cao-lanh, đá vôi, dầu khí (...) Có thời rừng đã bao phủ đến 90% diện tích vùng đồi núi nước ta. Ðất phù sa châu thổ phì nhiêu cho phép trồng trọt tới 3-4 vụ và năng suất lúa có thể đạt bình quân 4-6 tấn/ha/vụ. Bờ biển dài, thềm lục địa rộng, ngoài tiềm năng đánh bắt cá khoảng 3 triệu tấn (trong bao lâu?), ta còn nhiều đặc sản (biển) được ưa chuộng (khác) (...)

Sự đa dạng sinh học trên đất liền cũng như trên biển thật hiếm có, với rất nhiều hệ địa-sinh thái khác nhau, trong đó có đến 14.624 loài thực vật thuộc gần 300 họ, với những loài cây gỗ có giá trị nổi tiếng như lim, lát hoa, gụ, dầu, sao, cẩm lai, giáng hương, pơ-mu, kim giao; còn về động vật thì có 11.217 loài và phân loài (...) với những thú quý như tê giác, voi, hổ, gấu, bò tót (...) công, trĩ, gà lôi v.v.

Cảnh quan đẹp cũng là một dạng tài nguyên tự nhiên quý giá, phục vụ cho việc nghỉ ngơi, giải trí, tham quan (...)

Nhưng đến ngày nay thì sự giàu đẹp ấy đã giảm nhiều (...) Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc xuống còn 27%, nhiều vùng núi gần như trơ trụi, tỉ lệ che phủ ở đông bắc là 17,8% còn ở tây bắc chỉ có 8,2%. Trong số 9 triệu ha rừng còn lại phần lớn là rừng nghèo (...)

Mất rừng đã kéo theo nhiều thiên tai như lũ, lụt, hạn, xẩy ra nặng nề và liên tiếp trong những năm gần đây. Ðất đai bị xói mòn nghiêm trọng, có đến 10 triệu ha đất trống đồi núi trọc, 406.000 ha đất trơ cả sỏi đá, ngoài ra còn hàng triệu ha đất bị bạc mầu do rửa trôi.

Nước và không khí bị ô nhiễm cho hoạt động nông nghiệp dùng quá nhiều hóa chất, do các xí nghiệp công nghiệp không có thiết bị xử lý các chất thải (...)

Tại sao lại có tình hình đáng lo ngại như vậy? Phải nói rằng việc tàn phá nghiêm trọng tài nguyên tự nhiên chỉ mới diễn ra trong thế kỷ XX, bắt đầu bằng chính sách vơ vét tài nguyên của các đế quốc mà ở Việt Nam là đế quốc Pháp. Chúng khai thác than đá, chì, kẽm, thiếc, vàng, bạc, chặt phá rừng lấy gỗ quý, săn bắn thú rừng (...) tỉ lệ che phủ rừng đã xuống đến 43,8% năm 1943. Sau đó là chiến tranh (...) bom đạn cũng như chất độc hóa học màu da cam đã phá rừng không thương tiếc. Sau khi hòa bình lập lại (...) năm 1975, thì nhu cầu phát triển kinh tế (...) và (...) hàn gắn các vết thương chiến tranh như nhà cửa, đường sá, cầu cống bị phá hủy (...) tốc độ sử dụng (...) tài nguyên đã đẩy mạnh quá trình suy thoái môi trường (...)


(Vũ Tự Lập,
Ðịa lý tự nhiên Việt Nam, nxb. Ðại Học Sư Phạm, 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)