“Bạn cũ lâu ngày gặp lại”, tất nhiên là vui, là hàn huyên tâm sự đủ chuyện cũ, mới. Ngẫu nhiên, “bạn” không thốt lời nào, nhường hết cho “tôi”. Vì “bạn” đây là... món cơm nắm. Nói vui, là nói khi mới vừa tái ngộ. Chứ lần lần, biết cảnh “bạn” bây giờ, lòng “tôi” trở nên “ngậm ngùi”. Miếng ăn, miếng nghĩ, miếng cảm..., nên miếng chưa nuốt đã nghẹn! (Thu Tứ)



Trần Thị Lai Hồng, “Cơm nắm Bắc”




Cơm nắm, còn gọi là cơm vắt hay cơm bới (…) nấu bằng gạo tẻ (…) nấu không khô, chẳng nhão (…) Dùng mo cau non, loại mo bao quanh buồng cau, mỏng mềm, không phải mo bẹ lá (…) Cơm vừa chín tới xới ra mo cau sạch, nhồi nhanh mạnh tay nhiều lần cho hạt cơm dẻo mềm nhuyễn nhừ dính sát nhau thật mịn, rồi nắm lại (thành) hình dáng tròn đầy cỡ miệng chén, hoặc vuông vức dẹp hơn cái bánh chưng, hay một thỏi tròn lẳn có đường kính nhỏ hơn miệng chén và dài khoảng một gang tay. Nắm cơm để nguội, gói lại trong lá chuối hay lá sen xanh mượt, hoặc mo cau mềm, để giữ cho khỏi bị khô (…)

Sáng hôm ấy một mình lang thang (…) vui chân bước về phía sông Hồng, cuối phố Trần Hưng Ðạo (…) Ngõ 90 (…) Ðang đi, bỗng nghe một giọng rao cao vút: “Ai cơm nắm! Cơm nắm muối vừng đê...!”. Nhìn lại, thấy một chị áo cánh trắng quần đen nón lá, dắt xe đạp. Chiếc xe thồ phía sau một thúng lớn đậy lá chuối, bên trên lủ khủ mấy hộp nhựa trắng đục đậy kín, xếp trên một cái mẹt vừa nhỉnh hơn miệng thúng, và trên cùng là vài chiếc mẹt cỡ nhỏ hơn. Chị dừng xe bên lề, dưới một gốc bàng lá đỏ (…) Tôi đến bên (…) mua một nắm cơm (…) hỏi chuyện (…)

Chị cho biết gốc làng Liên Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên gần Hà Nội (…) “Con ngõ này ngộ lắm. Có khi người ta gọi là ngõ Không Tên, nhưng nhiều khi được gọi là ngõ Nguyễn Tuân đấy cô ạ (…) Cháu mới theo nghề này mấy năm đây thôi. Trước mẹ cháu đội thúng cơm nắm đi bán, gần như mỗi ngày vào con ngõ này là được ông ấy gọi mua. Mẹ cháu bảo lúc sinh thời nhà ông lúc nào cũng lắm bè bạn vang vang vui chuyện (…)”. Tôi ngây người (…) “Mười mấy năm trước, làng Liên Xá cháu đã tươi mươi trổi dậy nhờ nghề cơm nắm. Mấy năm gần đây, cơm nắm không cạnh tranh nổi với đặc sản của cơ man hàng quán (…)”. Tôi mỉm cười (…) “Cơm nắm ăn chắc bụng. Nếu ở nhà thì tôi đã ăn cơm nắm với cá kho khô. “Cơm với cá như mạ với con” mà lị!”. Chị cười vui (nhưng) nụ cười tắt ngay và đôi mắt đen sáng bỗng tối sầm: “Nghề này hết thời rồi. Ngày xưa “ra đi ngó trước ngó sau, ngó nhà mấy cột ngó cau mấy buồng”. Bây giờ nhà chẳng cần cột, vườn không trồng cau (…) Xưa dùng mo cau non nắm cơm, bây giờ dùng khăn vải thay vào đấy, cô ạ”.

Tôi nhìn gói cơm nắm như một bạn cũ lâu ngày gặp lại. Người bạn chân quê ngày xưa nay do cuộc đổi đời đưa đẩy đã được sửa sang nhan sắc để đi vào phố thị. Ngậm miếng ngon, bỗng thấy mình vụt biến thành bà mẹ quê còm cõi áo cánh nâu khăn mỏ quạ tựa gốc cau sau hè có buồng hoa “đuôi phượng le te” trắng ngà tỏa hương dìu dịu. Ngoài kia, cánh đồng lúa con gái rì rào dào dạt sóng (…) Miếng thân thương ngọt bùi chưa nuốt trọn bỗng thấy nghẹn ngào.


(Trích “Miếng ngon quê hương”)