Ngô Tất Tố kể khi Vũ Trọng Phụng bệnh tình nguy kịch, hỏi: “Bác tưởng tôi có chết không?”, thì đã trả lời: “Chết làm sao được!”. Nói thế cho người bệnh yên lòng, nhưng “vị tất đã là nói dối. Bởi vì một chồng tác phẩm của ông còn kia”.

Vũ Trọng Phụng có văn tài đặc biệt, ai cũng biết. Ông lại có nhân cách hơn người như NTT kể sau đây và như Vũ Ngọc Phan ghi trong hồi ký
Những năm tháng ấy: “Anh em quen biết đều nhận định: Phụng là một anh khí khái đệ nhất”.

Quả thực, người như thế “chết làm sao được” trong lòng người.

(Thu Tứ)



“Vũ Trọng Phụng qua Ngô Tất Tố”




Trong các nhân vật làng văn hiện thời, ông Phụng là người nghèo lắm (…) “nghèo gia truyền”, không phải “nghèo lỏi” (…)

Tôi biết ông mới từ hồi làm báo Công dân, cách đây độ bốn, năm năm chi đó. Hồi ấy có lẽ là hồi quẫn bách nhất trong đời ông, vì rằng, ngoài báo Công dân ông không có chỗ làm nào khác, mà báo Công dân thì lại chỉ là cơ quan của một bọn anh em nhà văn nghèo (...) ít khi trả tiền in rồi, trong két được có tiền thừa mà trả cho người cầm bút (…)

Đời ông luôn luôn thấy sự túng thiếu, nhưng không lúc nào ông tự đem sự túng thiếu của mình mà làm phiền lụy người nào, dù khi túng thiếu cực điểm cũng vậy (…)

Từ bữa nghe ông tạ thế, chẳng riêng gì các bè bạn, phần nhiều độc giả các sách của ông đều lấy làm thương tiếc (…) ái ngại cho cái gia đình thảm đạm của ông (và) cái số mệnh ngắn ngủi của ông (…)

Tuy vậy, vị tất ông đã chết non (…) Đối với vũ trụ vô cùng vô tận, hai mươi tám tuổi với tám chín mươi tuổi không thể kể là ít với nhiều (…) Thọ hay yểu, không quan hệ với cái sống nhiều sống ít, nó quan hệ ở chỗ có gì để cho đời sau hay không (…) Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ (…)


(Trích bài đăng trên tạp chí
Tao Đàn, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, 1939)