Giặc Minh làm gì kiểm soát được tình hình ở thôn quê là nơi hầu hết dân ta sống, mà mơ lột váy thay quần đàn bà Việt Nam. Không những không chịu mất, váy Việt còn phản ứng đòi đuổi quần Tàu về... Tàu, đòi dữ dội tới nỗi vua Lê phải chính thức công nhận vị trí độc tôn của nó!

Bắt dân ăn mặc như Tàu, chúa Nguyễn với vua Nguyễn!!! Nhưng “phép vua thua lệ làng”, váy cứ tiếp tục còn nơi đất Bắc để hàng thế kỷ sau ngày Minh Mạng ra lệnh “trị tội thật nặng (...) kẻ nào ngoan cố”, Hoàng Cầm vẫn được trầm trồ tấm tắc “cái váy lụa mềm óng buông chùng cửa võng xuống đến mu bàn chân, nhìn đằng trước tưởng là các cô đang đi lướt trên sóng lượn rập rờn”...

“Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác...”. Cai trị nước Nam mà chẳng những không bảo vệ phong tục Nam, lại đòi thay phong tục Nam bằng phong tục Bắc, tội nào to bằng!

(Thu Tứ)



Đào Đức Nhuận, “Mặc váy, mặc quần”



Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó “bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước...” (...)

Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa (...) mô tả trong một câu đố như sau:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.


Đến năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671), nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc.

Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu (...) Đó là tình trạng ở đất Bắc (...) Tình trạng ở phía Nam (...) lại khác.

Số là, vào năm 1558, Nguyễn Hoàng (...) vào trấn thủ đất Thuận Hóa (...) năm 1599 (...) Trịnh Tùng xưng vương (...) Nguyễn Hoàng (...) đối đầu với chúa Trịnh (...) khi Nguyễn Hoàng mất (1613), con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lên thay (...) tự bổ nhiệm quan lại để cai trị đất Đàng Trong (...) Tuy nhiên, đến đời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) các chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng quận công hay quốc công và vẫn tuân theo một số luật lệ và phong tục của đất Bắc. Đến đời Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) (...) mới xưng vương gọi là Võ Vương (1744) đúc ấn quốc vương, định triều nghi và đưa ra một số cải cách để chứng tỏ sự tách biệt hoàn toàn với đất Đường Ngoài, chẳng hạn:

“Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục (...) châm chước theo lối quần áo của người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà đường trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường ngoài nữa.” (VNVHSC, tr.173)

(...) từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau (...) phụ nữ Đàng Trong (...) mặc quần (...) phụ nữ Đàng Ngoài (...) mặc váy.

Đến khi nhà Nguyễn dựng đế nghiệp (1802) (...) vua Minh Mạng (1820-1840) (...) hai lần ra sắc dụ bắt dân chúng Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người Đàng Trong. Việc cải đổi y phục của vua Minh Mạng đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài (...) hành động bất tuân (...) và đặt (...) vè (...) chế giễu (...)

(...) Theo Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu:

Năm Mậu Tý (1828) Minh Mạng thứ 9 “Tháng 10, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra Bắc”. (quyển 3, trang 74)

Năm Đinh Dậu (1837), Minh Mạng thứ 18, “Tháng 9 . . . thân dụ dân tự Hà Tĩnh trở ra phải đổi cách ăn mặc” (quyển 3, trang 112)

(...) Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 184 ghi lại chiếu dụ của vua Minh Mệnh ban hành vào năm Minh Mệnh thứ 18, năm Đinh Dậu (1837) như sau:

“Từ sông Gianh ra Bắc, trước đây vẫn còn ăn mặc theo hủ tục. Trẫm đã ra lệnh đổi y phục như từ Quảng Bình trở vào để phong tục thuần nhất. Lại ban hạn rộng rãi để ai nấy có thì giờ khâu may. Nhưng đến nay, kể đã ngoài 10 năm, mà ở Đàng Ngoài (...) vẫn cứ chần chừ chưa chịu đổi thay. Từ Quảng Bình trở vào nam, hết thảy đã ăn mặc theo lối nhà Hán, nhà Minh, mũ mãng, áo quần đều chỉnh tề, tươm tất. Dân Bắc kỳ cứ ăn mặc theo lối cũ (...) đàn bà, con gái mặc áo vạt khép vào nhau, dưới thì mặc váy. Như vậy đẹp xấu ra sao, mọi sự đã rõ. Một số nơi đã theo thói hay. Nhưng nhiều nơi vẫn duy trì hủ tục, phải chăng cố ý trái lệnh của Trẫm. Nay truyền cho các viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh phải giải thích, khuyên nhủ cho dân biết rõ ý của Trẫm. Lại ban hạn trong năm nay tất cả phải thay đổi quần áo. Nếu năm tới còn có kẻ nào ngoan cố áo quần, phải trị tội thật nặng” (...)


(Đào Đức Nhuận, "Bàn về một bài ca dao thời Minh Mạng", trang
e-cadao.com. Nhan đề phần trích tạm đặt.)