“Có thể nói tranh mộc bản Việt Nam chính là những bài ca dao mà những câu hát đã được thay thế bằng đường nét và màu sắc.” (NNT)



Nguyễn Nhật Tân, Tranh mộc bản Việt Nam



(...) tranh mộc bản Việt Nam (...) có một vẻ đẹp giản phác, mộc mạc, tươi sáng về màu sắc, lành mạnh về nội dung, điểm thêm chút trào lộng hồn nhiên không ác ý, rất phù hợp với tâm hồn người Việt Nam (...)

Tranh mộc bản (còn gọi là thủ ấn họa: tranh in tay) là loại tranh được vẽ rồi đem khắc trên gỗ và in bằng tay thành nhiều bản để phổ biến. Những bản khắc gỗ ấy sẽ được truyền lại cho con cháu và được coi như là di sản của gia đình.

Tranh mộc bản Việt Nam phần lớn, có thể nói là hầu hết, không ghi tên tác giả (...) Có thể nói tranh mộc bản Việt Nam chính là những bài ca dao mà những câu hát đã được thay thế bằng đường nét và màu sắc.

(...) vào thời đó (tức trước 1945), có nhiều nơi sản xuất tranh mộc bản (...) làng Ðông Hồ, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (...) sản xuất một loại tranh in trên giấy dó quét một lượt bột vỏ sò, hến đã được nung lên rồi giã nhỏ trộn với hồ loãng nấu bằng bột gạo tẻ. Giấy ấy gọi là giấy điệp.

Sau làng Ðông Hồ phải kể đến phố hàng Trống, Hà Nội (...) Kỹ thuật tranh hàng Trống có khác với tranh làng Hồ (...) chỉ dùng bản khắc gỗ để in những nét chính, màu sắc được tô sau bằng tay (...) màu sắc không mộc mạc mà lấy từ những phẩm màu nhập cảng (...) đề tài là nếp sống thị thành, như tranh tố nữ, tứ bình Xuân Hạ Thu Ðông, để phục vụ đa số khách hàng là thị dân (...) tranh hàng Trống không có tính chất giản dị, hồn nhiên như tranh làng Hồ.

(...) còn có làng Kim Hoàng huyện Hoài Ðức tỉnh Hà Ðông, thuộc phía tây (?) ngoại thành Hà Nội, sản xuất một loại tranh in trên giấy hồng điều mà dân địa phương quen gọi là tranh đỏ để phân biệt với tranh điệp trắng của làng Hồ. Về đề tài và nét vẽ, tranh Kim Hoàng tương tự như tranh Ðông Hồ nhưng kỹ thuật thực hiện thì lại theo kỹ thuật hàng Trống, nghĩa là chỉ in một bản trên giấy đỏ rồi nghệ nhân sẽ tô màu khác sau.

Ngoài ra ở Vĩnh Phúc Yên có làng Phù Ninh huyện Lập Thạch và ở Nam Ðịnh ngay trong thành phố cũng có nhà in tranh ở phố hàng Nâu ngày trước in tranh mộc bản bán vào dịp Tết.

(...) tranh mộc bản Việt Nam (...) vẽ theo một ước lệ riêng, không bị ảnh hưởng của bất kỳ một đường lối hội họa nào, kể cả (...) của Trung Hoa (...)

(...) một lối vẽ giản phác, thực thà, hồn nhiên đôi khi tinh nghịch, trào lộng nhưng không ác ý, phản ảnh tính ưa giễu cợt nhưng rất khoan dung của người dân đồng ruộng (...)

(...) tranh Tết Việt Nam rực rỡ nhưng không lòe loẹt và luôn luôn tạo cho người xem một cảm giác dễ chịu, thoải mái.

Về màu sắc của tranh mộc bản Việt Nam, Lê Văn Hòe đã có lần nhận xét: “Tranh gà lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiêu đời rồi. Những màu sắc ấy in sâu vào tâm não nông dân, hết thế hệ hày đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc rồi. Những màu sắc xanh đỏ chói rực của tranh Tàu tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc mạc quen thuộc như những màu sắc xanh đỏ (...) điềm đạm, thật thà của tranh gà.”


(Trích Nguyễn Nhật Tân, “Tranh Tết dân gian Việt Nam”, trong
Hình ảnh người Việt đất Việt trong tranh Nguyễn Nhật Tân, xb. ở Ca-na-đa, hình như trong thập kỷ 1990)