Đây có phải trường hợp gái giả trai đi thi duy nhất ở nước ta?



“Nguyễn Thị Du theo Nguyễn Đôn Phục”



Bà Tinh Phi người làng Kiệt Ðặc, huyện Chí Linh, họ tên là Nguyễn Thị Du, tự là Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền. Bà có năm cái lịch sử, một là nữ trạng nguyên, hai là nữ thiền sư, ba là nữ giáo sư, bốn là nữ cố vấn, năm là nữ khảo quan (...) lên mười tuổi đã biết làm văn, mà lại sính văn quốc âm (...) Hồi Lê Mạc tranh quyền, chốn trung châu rối loạn, bà theo cha lên tị loạn ở đất Cao Bằng (...) ăn mặc giả lối nam trang (...) đi học, có tiếng hay chữ. Khi ấy phía đông bắc nước ta còn thuộc về nhà Mạc, nhà Mạc mở khoa thi hội ở Cao Bằng, bà đỗ đệ nhất danh, tức là trạng nguyên nhà Mạc. Mạc Chúa thấy dung mạo giống đàn bà, hỏi ra biết là thực mới lấy làm vợ, đặt tên là Sao Sa, nghĩa là sáng và đẹp như vị sao trên trời sa xuống hạ giới (...) Khi Mạc mất nước (...) quân Trịnh đi dò bắt được bà (...) về Thăng Long, Trịnh Chúa cũng tỏ lòng quý trọng, cho được tự do. Ðược ít lâu bà sang tu ở chùa Vụ Nông huyện Gia Lâm. Sau Trịnh Chúa muốn cầu một người nữ học sĩ để giáo dục cung nhân (...) cho đi triệu vào cung (...) đặt (...) là Lễ Sư (...) tự đấy (...) lại là một vị cố vấn của Trịnh Chúa. Ðời Trịnh Nghị Vương (...) thi tiến sĩ, có một quyển văn (...) hay, mà nhiều nghĩa khó lắm, triều sĩ ít người hiểu (...) đem quyển văn ấy vào hỏi bà, bà giải thích (...) rồi tên ấy được đỗ đệ nhất (...) bà phân minh là một vị nữ khảo quan (...) Bà làm ra văn chương cũng nhiều, chỉ tiếc không còn truyền lại mấy (...) có một tập quốc âm tự thuật, ví mình với bà Bạc thái hậu nhà Hán (...) “Hiềm vì một chút đảo điên, song le Bạc thị vốn duyên Hán thần”. Thì cái lòng bà đối với nhà Lê nhà Mạc thế nào, tưởng cũng khá rõ


1926


(Nguyễn Đôn Phục, “Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương”, trong
Du ký Việt Nam (bài đăng trong tạp chí Nam Phong 1917-1934, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm), nxb. Trẻ, 2007, tập II. Nhan đề phần trích tạm đặt.)