Khuyết danh, “Chiếc xuồng ba lá”




Xuồng ba lá (...) được ghép bằng ba tấm ván. Gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy. Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng. Dưới các thanh cong, người thợ đóng xuồng nghĩ ra cách khoét lõm hình bán nguyệt gọi là những “lỗ lù”, có nhiệm vụ thông nước giữa các khoang xuồng, giúp nước gom lại một chỗ, dễ tát.

Mũi và lái xuồng ba lá có hình dạng không khác gì nhau, khác chăng chỉ là ở kích cỡ bộ ván sạp. Nhờ mũi và lái xuồng ba lá giống nhau mà tính linh hoạt trong việc điều khiển xuồng càng cao. Nếu như ở các loại ghe, thuyền khác cần phải quay mũi khi cần trở lại thì với xuồng ba lá, người ta chỉ cần hoán đổi vị trí ngồi bơi, mũi thành lái là xong ngay. Đây là một trong những ưu điểm của xuồng ba lá, rất có ý nghĩa khi sử dụng xuồng ở nơi đường đi quá chật hẹp.

Trọng tải của xuồng ba lá được tính bằng kích cỡ của bộ ván be. Phổ biến là xuồng các cỡ từ khoảng be sáu đến be mười. Xuồng có số đo be càng thấp thì càng nhỏ, càng nhẹ, khả năng di chuyển cao, nhưng sức chở thấp, thích hợp làm phương tiện đi lại. Xuồng lớn có thể chở nhiều, nhưng di chuyển chậm nên thường được dùng để vận chuyển hàng hóa.

(Để chèo xuồng ba lá, người ta dùng) cây sào nạng để chống, dầm để bơi và cuối cùng là cây chèo (...) Hiện nay, phần đông nhân dân (...) đã sắm được máy nổ thay cho dầm, chèo. Tuy nhiên (...) bất cứ chiếc xuồng máy nào cũng đều mang theo dầm, chèo để phòng khi máy móc trục trặc mà dùng, nhất là chống, chỏi khi ra vào bến (...) Xuồng ba lá vẫn sử dụng được trên ruộng hoặc chân rừng ngập nước là những nơi mà hầu như các loại phương tiện khác phải “chào thua” (...)

Chiếc xuồng đã gắn bó với vùng quê sông nước miền Tây (...) Ngày nay, người ta còn làm xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại (...) Cùng với mái đình, cây đa, bến nước, chiếc xuồng là biểu tượng gợi nhớ quê hương cho những người con xa xứ.