“Thành tây” đây là phía tây hoàng thành Thăng Long. Theo trang vi.wikipedia.org, “Nếu nhìn trên bản đồ hiện nay thì Bích Câu gồm các phố Quán Thánh, sang Hùng Vương, sang Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, xuôi nửa đường Tôn Đức Thắng (…) Giảng Võ (…) Cát Linh, Kim Mã (…) Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám (…)”.

“Bầu cỏ hoa” đã thành “hộp” dày đặc đường và san sát nhà, còn “xinh sao” thì… “Một vùng non nước quạnh hiu” có lối trẻ chăn trâu, có dấu vết người đốn củi, trời ơi!

“Bể” hóa “dâu” mất bao nhiêu thời gian nhỉ? Tương truyền chuyện xảy ra thời Lê Thánh Tông, cách đây hơn năm thế kỷ. Nhưng Đặng Trần Côn viết
Bích câu kỳ ngộ ký (tức nguyên tác Hán văn của bản diễn nôm khuyết danh) mới được non ba thế kỷ thôi. Chắc là ông đã tả cảnh Bích Câu ngay trước mắt mình, chứ không phải tưởng tượng cảnh thời xưa. Chưa tới ba trăm năm, đổi thay thế này, là nhanh hay chậm?

(Thu Tứ)



Khuyết danh, Bích Câu kỳ ngộ (2.1)




Thành tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!
Ðua chen thu cúc, xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều
Một vùng non nước quạnh hiu
Phất phơ gió trúc, giật dìu mưa hoa.