Biển Ðông Việt Nam”

Vũ Tự Lập




Biển Ðông Việt Nam là biển lớn đứng thứ hai trong số các biển thuộc Thái bình dương và thứ ba trên toàn thế giới, diện tích tới 3.447.000 km2, tổng lượng nước khoảng 3.928.000 km3, với hai vịnh rộng là vịnh Bắc bộ (150.000 km2) và vịnh Thái-lan (462.000 km2).

Biển Ðông Việt Nam đi từ xích đạo tới chí tuyến bắc, thông với biển Java ở phía nam qua các eo Karimata và Helat và với biển Ðông Trung Quốc ở phía bắc qua eo Ðài Loan, từ kinh tuyến 100 độ Ðông đến kinh tuyến 121 độ Ðông, thông với Ấn-độ dương qua eo Malacca và với Thái bình dương qua eo Basi, dài khoảng 3.000 km từ Xin-ga-po đến Ðài Loan và rộng khoảng 1.000 km từ bờ biển Nam bộ đến bờ biển Kalimantan.

Ðộ sâu bình quân của biển Ðông là 1.140 m, nơi sâu nhất đạt 5.559 m, nằm ở phía tây một lòng chảo sâu trên 4.000 m chạy theo hướng tây nam - đông bắc giữa Phi-líp-pin, các quần đảo Hoàng Sa - bãi Mác-cơn-xi-phin (Macclesfield) và Trường Sa - bãi Cỏ Rong (Reed). Thềm lục địa biển Ðông rất rộng, về phía bắc ra cách cửa sông Hồng tới 500 km, cách bờ biển đông nam đảo Hải Nam khoảng 100 km và cách bờ biển Quảng Tây và Quảng Ðông khoảng 300km, về phía nam thì nối liền Việt Nam với Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a. Riêng đoạn chảy ven biển Trung bộ thì rất hẹp, từ mũi Ba Làng An ở Quảng Ngãi đến Mũi Dinh ở Ninh Thuận, bờ rộng thềm lục địa trung bình khoảng 50 km, chỗ hẹp nhất chỉ còn 30 km ở mũi Ðại Lãnh (Phú Yên).

Với vị trí và hình dáng như trên, biển Ðông Việt Nam có hai đặc tính quan trọng, là đặc tính biển kín (có tác giả gọi là Ðịa Trung Hải phương đông) và đặc tính nội chí tuyến gió mùa với sự phân hóa bắc nam và sự biến đổi theo mùa rõ rệt.

Thật vậy, biển Ðông Việt Nam bị bao bọc bốn phía bởi Ðông Nam Á lục địa và Ðông Nam Á đảo, cách biệt với Ấn-độ dương và Thái bình dương, do đó mà hải lưu, thủy triều và các đàn cá đều có tính chất địa phương.

Các hải lưu có tính chất khép kín, chạy vòng tròn và do gió mùa thổi trong khu vực biển tạo nên, vì thế hướng chảy có sự thay đổi theo mùa, trong mùa gió đông bắc là ngược chiều kim đồng hồ, còn trong mùa gió tây nam là thuận chiều kim đồng hồ. Trong các vịnh Bắc bộ và Thái-lan, cũng có những hải lưu chạy vòng tròn riêng (...) Sóng biển Ðông (...) không lớn, trừ khi có bão, số ngày có sóng mạnh quá cấp V (2 - 3,5 m) chỉ chiếm trung bình khoảng 20%, còn phần lớn trong năm là sóng cấp II-III. Về cá, không có hiện tượng di cư lớn như các đàn cá đại dương, sống ở vùng biển nào cá chỉ di chuyển và kiếm mồi quanh quẩn ở đó, rõ nhất là ở các vịnh (...)


(Vũ Tự Lập,
Ðịa lý tự nhiên Việt Nam, nxb. Ðại Học Sư Phạm, 2003)