Do tiếng Việt thay đổi, thưởng thức thơ nôm xưa như thơ Nguyễn Trãi có chỗ khó. Để thưởng thức thơ, người đọc phải cảm được phong cách của từ. Cái từ ấy ta nay không còn dùng nữa, tuy có thể đoán ra nghĩa nhưng làm sao cảm được phong cách của nó? Cái từ kia tuy nay vẫn phổ thông, nhưng rõ ràng hồi thế kỷ 15 đã mang một phong cách khác mà ta không thể mong chia sẻ… Không đừng được, thời gian cản trở hậu sinh rung động tới nơi tới chốn khi đọc tác phẩm của tiền nhân. Nhưng tuy không trọn vẹn, tưởng niềm vui vẫn rất đáng kể. Người Việt thế kỷ 21 vẫn có thể “thấy” được hình ảnh nọ, “nghe” được âm thanh kia, “ngửi” được mùi hương “đã tiễn” chứ. Và cái câu chót, có phải tiếng đàn ve lầu chiều ấy tuy “dặng dõi” (inh ỏi) mà lại gợi cho ta nghĩ đến tâm sự rất đỗi cô đơn của người viết nên câu?

(Thu Tứ)



Nguyễn Trãi, “Ðêm thanh nguyệt bạc”




Tằm ôm lúc nhúc thuyền đầu bãi
Hào chất so le khóm cuối làng
Nuớc biếc non xanh thuyền gối bãi
Ðêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu
Thạch lựu hiên còn phun thức đó
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dặng dõi cầm ve lầu tịch dương.(1)


(Trong
Quốc âm thi tập, không có tên, tên đây là do người chọn tạm đặt.)







_____________
(1) Khóm: xóm; đó: đỏ?; trì: ao; tiễn: đưa (theo Xuân Diệu, trong
Ba thi hào dân tộc, nxb. Thanh Niên, 2000)