Khảo đi, rồi khảo lại, rồi lại khảo lại, mới nên cái bản Bích Câu kỳ ngộ hiệu đính và chú giải rất công phu mà ta bây giờ được đọc. Cô “sứ giả của người tiên” chọn Hoàng Xuân Hãn mà trao sách, chọn sao khéo thế! (Thu Tứ)



“Hoàng Xuân Hãn gặp Bích Câu kỳ ngộ




Truyện nôm ấy cũng gọi là Bích Câu kỳ ngộ (...) Tôi đã phỏng đoán văn ấy thuộc văn phái Hồng Sơn , cho nên đã để ý nghiên cứu từ lâu (…)

Sau Nhật Mỹ đình chiến (...) Nạn giấy khan xui các dân quê đem sách vở cũ ra bày bán khắp vỉa đường Hà Nội, gần chợ Hàng Da. Hằng ngày tôi ra đó tìm những sách tàn giấy cũ. Một hôm, tôi thấy trên lề đường Hàng Bát một cô gái quê ngồi đợi khách, mặt trái xoan, khăn mỏ quạ, yếm trắng, váy nâu, bàn tay trắng kê trên một chồng sách nhỏ. Tôi xin xem, thì thấy những tập sách mỏng, bìa cậy lâu ngày thành đen. Bên trong, toàn là những truyện nôm in đời Tự Ðức. Trong số đó có truyện Kim Vân Kiều và truyện Bích Câu kỳ ngộ. Rõ thật là một kỳ ngộ mới. Những điều tôi mộng ước từ lâu đã hiện ra trước mắt tôi. Tôi liền trả giá cao cho cô gái. Rồi tôi tặng thêm tiền thưởng, nhưng nói khéo là nhờ tìm cho những loại sách như thế nữa. Cô gái hé hai môi trầu đỏ, lộ hàm răng đen nhức và hẹn khi nào tìm được sách gì hay thì lại đến ngồi bán ở chốn này. Sau đó, tôi trở lại chỗ ấy nhiều lần, nhưng không hề gặp lại cô gái bán sách ấy nữa. Họa cô là sứ giả của người tiên!

Sự ngẫu nhiên này lại càng xui giục tôi tìm tòi gốc ngọn truyện Tú Uyên. Vả chăng tôi đã sẵn có trong nhà bản Truyền kỳ tân phổ trong đó có bài Bích Câu kỳ ngộ ký bằng Hán văn. Ðem so sánh thì thấy truyện nôm chính đã diễn ca bài ký ấy. Sự nghiên cứu đến lúc dễ làm. Tôi bắt đầu khảo lại (...)

Tôi được thấy ở Paris còn hai bản nôm hơi khác tí ti bản tôi có, nhưng bản nào cũng thiếu đoạn cuối cùng. Tôi những mong thầm gặp sự ngẫu nhiên mới mà tìm được mảnh mất kia. Quả nhiên (...) một cố hữu khác là ông Trần Văn Giáp đã tìm được ở Hà Nội một bản viết cũ vẹn toàn. Tôi bèn khảo lại (...)

Mong rằng công tác khảo cứu này giúp phổ biến một áng văn cổ điển hay vào bực nhất, mà câu chuyện lại thuần túy Việt Nam (...)


(Trích lời tựa
Bích Câu kỳ ngộ, Hoàng Xuân Hãn hiệu đính và chú giải, nxb. Ðại Học, Huế, 1964. Nhan đề tạm đặt.)