Lãng Bạc là tên một cái hồ thời Hai Bà Trưng mà mọi người vốn đinh ninh là Hồ Tây. Hiện nay một số nhà sử học cho rằng hồ Lãng Bạc xưa thực ra ở Bắc Ninh. (TT)



“Quà của sông Hồng”

Vũ Tự Lập




Hồ Tây là hồ móng ngựa điển hình, do sông Hồng để lại cho Hà Nội thêm đẹp. Tây Hồ là tên thời nhà Lê, còn xưa kia có tên là Lãng Bạc, có lúc là Dâm Ðàm như thời nhà Lý. Hồ rộng 466 ha, chu vi 17km, trong hồ và xung quanh hồ có nhiều gò bãi. Có nhiều huyền thoại về Hồ Tây, nhưng thực ra đây là một khúc uốn của sông Hồng đi từ Quảng Bá đến phố Yên Ninh rồi đổ ra sông Hồng ở gần cầu Long Biên. Khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long mới đắp con đê ngăn hẳn với sông Hồng. Ðến đời Hậu Lê, lại đắp đê qua hồ, gọi là đê Mã Canh, tách hồ Trúc Bạch ra khỏi Hồ Tây. Hồ không sâu, nơi sâu nhất về phía tây nam, gần Xuân Tảo, mới được 4m, do đó mặt hồ phẳng lặng (...) Tuy nhiên, khi có dông bão, cũng có thể xuất hiện sóng cao đến 3-4m (...)


(Vũ Tự Lập,
Ðịa lý tự nhiên Việt Nam, nxb. Ðại Học Sư Phạm, 2003)