“Trẻ em và thiếu nữ sao mà đông thế...”. Thế cái em “độ mười, mười một tuổi” đẹp đến nỗi “ai cũng quay lại nhìn không chớp mắt” là trẻ em hay là thiếu nữ? Là trẻ em thiếu nữ đó. Trước kia, con người ta già dặn sớm lắm, trẻ gái mười một tuổi mặt mũi nhiều khi đã phảng phất duyên thiếu nữ rồi. Giá Nguyễn Hiến Lê có ảnh của “tinh hoa” trẻ miền tây ấy cho chúng ta xem! (Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Hoa hậu 11 tuổi”




Tôi về Sài Gòn vào khỏang cuối năm 1952 (...)

Trên con đường từ bắc Cần Thơ tới bắc Mỹ Thuận, một chiếc cầu sắt sập vì một đòan xe nhà binh chở quá nặng. Xe chúng tôi lại phải ngừng lại mấy giờ nữa, đợi công binh sửa chữa. Ở đây làng xóm đông đúc. Mấy gia đình gần cầu bẻ trái cây, nấu trà, làm bánh bông lan, cả cơm dĩa nữa - mỗi dĩa chứa khỏang một chén cơm đầy có ngọn, vài con tôm hay mấy miếng thịt nướng, ít dưa chua - đem bán cho khách trên xe, giá đắt gấp đôi giá thường, mà cung cấp không kịp (...) Tôi dạo trong xóm một lát; trẻ em và thiếu nữ sao mà đông thế, em nào cũng hân hoan kiếm được một ít tiền.

Tôi hỏi một em:

- Bán được bao nhiêu dĩa rồi?

- Dạ, không kịp đếm nữa thầy.

- Vui quá hả?

Mái tóc lòa xòa trên trán, cặp mắt long lanh, em đáp:

- Dạ. Nhưng lâu lắm mới được một lần, thầy.

Rồi hai tay bưng hai dĩa cơm, em vội chạy đi. Tôi nhìn theo: em gái đó độ mười, mười một tuổi (...) mảnh khảnh, rất thanh tú, trắng trẻo, tóc mịn, mắt đen mà sáng, mũi cao, nhất là nụ cười luôn luôn nở trên môi đỏ, cực kỳ nhu mì, hồn nhiên, khách trên xe ai cũng quay lại nhìn không chớp mắt, dù đương bực mình cũng vui tươi lên. Tôi có cảm tưởng lạ lùng này là trong giấc ngủ nụ cười của em vẫn nở, và nó sẽ bất diệt cả khi em không còn trên cõi trần nữa (...) Em rất ít nói, mặt thường cúi xuống như ngượng về sắc đẹp của mình, nhẹ nhàng đi qua đi lại, cả trăm cặp mắt theo dõi em từng bước (...) Thật là một tinh hoa của miền Cần Thơ và Vĩnh Long, miền nước trong, trăng sáng, và dừa ngọt này.


(Trích truyện dài
Con đường thiên lý)