“Cao Bá Quát - Giá chỉ hát nói thôi…”




Cao Bá Quát là văn nhân Việt Nam nổi tiếng duy nhất đã chết vì tham gia một cuộc nổi dậy chống triều đình.

Vì sao ông tham gia? Thiết tưởng có hai lý do.

Lý do thứ nhất là Cao Bá Quát cho rằng mình có tài kinh bang tế thế mà không được trọng dụng. Lòng tự tin của ông bộc lộ thành những lời xưng là “anh hùng”, “hào kiệt” trong thơ. Nói chung, người có tính “cao kỳ, ngạo mạn”(1) mà gặp hoàn cảnh bất như ý thì dễ trở nên phẫn chí cao độ, có thể hành động mạo hiểm.

Lý do thứ hai là, căn cứ vào một số bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, ta thấy ông có lòng trắc ẩn, thành thực quan tâm đến nỗi khổ của người dân đương thời. Quan tâm lên tới mức nào đó thì tự nhiên làm nảy sinh cái ý muốn cố đổi đời cho dân.

Vì riêng mình nhưng cũng vì muôn người, đó là cái tâm trạng của một văn nhân đã can dự vào một việc dùng vũ lực với ý định to tát.

*

Cao Bá Quát để lại 362 bài thơ chữ Hán. Thơ văn chữ Nôm của ông chỉ có nhiều lắm là 24 bài, gồm 18 bài hát nói, hai bài thơ luật Đường, hai bài lục bát, một câu đối và một bài phú. Nói “nhiều lắm” là bởi có một số bài hát nói không chắc do ông sáng tác.

Trong số thơ Nôm của Cao Bá Quát, thì hay nhất là những bài hát nói. Hay đến nỗi không có ai làm thơ hát nói hay hơn, kể cả Nguyễn Công Trứ.

Cao Bá Quát hát nói khác Nguyễn Công Trứ và Tú Xương thế nào?

Trong bài “Tú Xương – một nhà nho Nôm”, chúng tôi đã đưa ra nhận định rằng thơ hát nói của Nguyễn Công Trứ có giọng ngang tàng, dõng dạc, còn thơ hát nói của Tú Xương thì ngông nghênh mà rủ rỉ. Thơ Cao Bá Quát chúng tôi thấy cái nét riêng là buồn một cách “cao kỳ”. Cũng như hai người kia, đây ta dễ dàng thấy liên hệ giữa thơ và đời.

Ờ, tại sao cùng bất đắc chí, mà Cao Bá Quát vùng vẫy kịch liệt, còn Tú Xương thì lại an phận nhỉ? Không biết có phải vì Tú Xương thi rớt mãi, không được triều đình “dụng” một tí nào, còn Cao Bá Quát thì có đỗ cử nhân, có được “dụng”, nhưng mà không “trọng”. Ấy, hình như chẳng thà bị đứng hẳn ngoài, chứ đã vào trong mà chỉ đứng lớ xớ, con người ta rất dễ sinh uất… Ngoài ra, có lẽ Tú Xương trời sinh có tính khiêm tốn.

Cuối cùng, để ý Cao Bá Quát không chỉ buồn về công danh, mà còn kém vui cả về tình duyên nữa. Vì sao nên cái nỗi này? Phải chăng trắc trở đã góp phần gây trắc trở? Công chưa thành, danh chưa toại, mà mơ ước “giai nhân” thì nó khó lắm… Lại nghĩ đến Tú Xương. Cái việc ông Tú lấy “thân cò” làm niềm hạnh phúc và “hú hí với cô đầu” làm nỗi vui, chắc đã có giúp ông thấy đời cũng hơi dễ sống…

Người dù sao cát bụi lâu lắm rồi. Chỉ còn thơ ở lại. Mươi bài hát nói, cùng một giọng cao kỳ độc đáo. Giá Cao Bá Quát chỉ hát nói thôi...

*

“Uống rượu tiêu sầu”

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy / Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười / Thôi công đâu chuốc lấy sự đời / Tiêu khiển một vài chung lếu láo / Ðoạn tống nhất sinh duy hữu tửu / Trầm tư bách kế bất như nhàn / Bóng thiều quang thấp thoáng dưới Nam san / Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ / Khoảng trời đất cổ kim kim cổ / Mảnh hình hài không có có không / Lọ là thiên tứ vạn chung”.

Ông nói “Thôi công đâu...”, mà rồi ông vẫn cứ “chuốc”, tích cực đến nỗi mất đầu mình và liên lụy đến toàn thể họ Cao. Giá ông cứ tiếp tục vừa “nực cười”, vừa “lếu láo”, vừa hưởng nhàn, vừa làm thơ cho ả đào hát...

“Ngán đời”

“Thế sự thăng trầm quân mạc vấn / Yên ba thâm xứ hữu ngư châu / Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu / Ðem mộng sự đọ với chân thân thời cũng hệt / “Duy giang thượng chi thanh phong dữ sơn gian chi minh nguyệt”(2) / Kho trời chung mà vô tận của mình riêng / Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng / Kẻ thành thị kẻ vui miền lâm tẩu / Gõ nhịp lấy, hát câu “Tương tiến tửu”: / “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi”(3) / Làm chi cho mệt một đời!”.

Trong “Uống rượu tiêu sầu”, ông đã bảo “Thôi công đâu...”. Đây ông cũng bảo “Làm chi cho mệt...”. Thơ hát nói Cao Bá Quát làm có mấy bài đâu, mà đã lặp ý. Cái ý lặp hẳn ám ảnh ông nhiều. Tự bảo đi bảo lại mình rằng đừng, thế mà rút cuộc vẫn! “Tri dị, bất hành nan”.

“May rủi”

“Một rủi một may là máy tạo / Dù khôn dù dại cũng bia trần / Việc đã rồi nghĩ lắm lại thêm đần / Liếc gươm trí cắt giặc phiền từ đó / Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ / Ngồi rù uống rượu với con chơi / Mô phạm dăm ba đứa mũi chưa chùi / Tiêu khiển mấy cô đào mới nỏi / Ngoài tai ấy tha hồ ai gọi / Rằng ngựa trâu, vâng cũng ngựa trâu / Nào đâu đã hẳn hơn đâu!”.

Phạm Thế Ngũ bảo hát nói như một thể văn vần, là một “kỳ công tổng hợp”. Nó cơ bản là con của thơ bảy chữ Việt và nói lối, tức nó cha Việt mẹ Việt. Nó có “quà” của lục bát ở mấy câu mưỡu. Ngoài ra, nó có chứa một chút “kỷ niệm” của thơ Ðường: hai câu đầu trong khổ nhì là hai câu thơ bảy chữ Tàu.(4) Chứa thêm nhịp Tàu cho “đa nhịp”, không sao. Bất ổn là ở chỗ các cụ ta xưa điển hình làm hai câu ấy bằng tiếng Tàu. Trong bài thơ Việt mà có câu tiếng Tàu! Cao Bá Quát ai cũng biết rất giỏi Hán văn, nhưng trong bài “May rủi”, ở cái chỗ “chữ thánh hiền” thường “cao ngọa”, lại rất thoải mái “nằm ngồi” hai câu chữ nôm! Chẳng những ở chỗ thường gặp... Tàu, không gặp, mà ở khắp mọi chỗ trong bài thơ ấy, đều không gặp. Hát nói thuần nôm đầu tiên là đây chăng? Dù sao, mãi đến Tản Ðà nó vẫn hiếm. Văn chương toàn lời tiếng mẹ đẻ mà vẫn rất trí thức, rất “cao kỳ”. “Thánh” Quát quả “siêu”!(5)

“Hơn nhau cũng một chữ thì”

“Chẳng lưu lạc, dễ trải mùi nhân thế / Còn trần ai, khôn tỏ mặt công hầu / Ngất ngưởng thay con Tạo khéo cơ cầu / Muốn đại thụ hãy ghìm cho lúng túng / Thân hệ bang gia chung hữu dụng / Thiên sinh hào kiệt bất ưng hưu / Hẵng bền lòng chớ chút oán vưu / Thời chí hỹ, ngư long biến hóa / Thôi đã biết cùng, thông, là mệnh cả / Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi / Hơn nhau cũng một chữ thì”.

Ðể thành công, cần có tài trong cái lĩnh vực muốn thành công và cần gặp thời. Cao Bá Quát không được vua trọng dụng, kêu “hơn nhau cũng một chữ thì”, ngụ ý mình không gặp may chứ mình có tài làm việc nước. Ai biết thực ra ông có tài ấy hay không. Bất đắc chí trong đeo đuổi “công hầu”, nhưng khi làm thơ Cao Bá Quát đã được “danh toại”. Là bởi ở đây hai cái “cần” vui vẻ hội ngộ: trong cái “thì” của ông, chuyện văn chương vàng thau không hề lẫn lộn, cứ hễ giỏi thì nhất định sẽ nổi tiếng.

“Thanh nhàn là lãi”

““Xử thế nhược đại mộng / Hồ vi lao kỳ sinh”(6) / Kiếp phù sinh vinh nhục, nhục vinh / Liếc mắt đám mây trôi mấy chốc / Con tạo vật bắt đeo râu tóc / Nợ tang bồng phải trả mới là trai / Mảnh áo xiêm buộc lấy cái hình hài / Ngoài nghìn dặm chửa chồn chân ngựa ký / Hiền ngu thiên tải tri thùy thị / Phú quý bách niên năng kỷ hà? / Hội công danh lớn nhỏ cũng là / Thôi mặn nhạt đã trải qua mùi thế / Tìm thú cũ hỏi thăm sơn thủy / Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong / Thảnh thơi một giấc bắc song”.

Thật, biết không nên làm là dễ hơn không làm. Đọc những “mây trôi mấy chốc”, “tri thùy thị”, “năng kỷ hà?”, “hội công danh (…) cũng là”, ai chẳng tưởng con người ấy “nợ tang bồng” tuy mới trả quấy quá nhưng đã vượt được thế nhân mà coi như xong, tưởng “cái hình hài” ấy đã dứt được mơ ước “áo xiêm” thường tình, thế mà không phải, rút cuộc là không phải... Giá Cao Bá Quát đừng làm giặc Châu Chấu, cứ thảnh thơi đánh giấc, thức dậy khề khà mấy “chén hoàng hoa”, ngồi nghe gió hiu hiu thổi, rồi làm nhiều nhiều thơ, thì lãi cho cả ông lẫn hậu thế bao nhiêu!(7)

“Núi cao trăng sáng”

“Cao sơn nhất phiến nguyệt / Ðã chơi trăng nên phải biết tình trăng / Sơn chi thọ đối nguyệt chi hằng / Sơn có nguyệt càng thêm cảnh sắc / Nguyệt quải hàn sơn thi bán bức / Sơn hàm minh nguyệt tửu thiên tôn / Trăng chưa già, núi hãy còn non / Núi chửa khuyết trăng vẫn tròn với núi / Rượu một bầu, thơ ngâm một túi / Góp gió trăng làm bạn với non sông / Núi kia tạc để chữ đồng / Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng! / Xinh thay kìa núi, nọ trăng!”.

“Núi cao trăng sáng”, nếu uống rượu làm thơ, xong làm thơ uống rượu, xong... đi ngủ, để đêm mai hay rằm tháng tới lại thơ thơ rượu rượu thì... Ðằng này, “anh hùng này” cứ muốn được “rõ mặt phi thường”(8)... Tiếc thay kìa núi, nọ trăng!”!

“Phận hồng nhan có mong manh”

“Tự cổ hồng nhan đa mệnh bạc / Buồn cho ai mà lại tiếc cho ai / Duyên chông chênh nguyệt mỉa hoa cười / Ngao ngán nhẽ đào tiên lăn cõi tục / Ðã gác gương loan, treo giá ngọc / Nỡ hoài chim cú đậu cành mai / Duyên còn dài, xuân hãy còn dài / Thử đủng đỉnh xem cơ tiền định / Nhắn ông nguyệt hãy xe dây xích / Khách giai nhân với khách văn nhân / Sắc tài ai kẻ cầm cân?”.

“Trai tài gái sắc”. Tài, nhưng mà tài gì? Văn tài là thứ mà Cao Bá Quát chắc chắn có đặc biệt dồi dào, nói chung ngay cả ngày xưa vẫn không “xe duyên” tốt bằng tiền tài. “Tục (…) cú”... À, “cú” không biết làm thơ, nhưng cú sở hữu nhiều thứ tuy “tục” mà có thể khiến “giai nhân” chóng quên “văn nhân” đấy. Có lẽ “ai” khỏi phải lo “tiếc cho ai”…

“Tự tình”

“Giai nhân nan tái đắc / Trót yêu hoa nên dan díu với tình / Mái tây hiên nguyệt dãi chênh chênh / Rầu rĩ bấy xuân về oanh nhớ / Phong lưu công tử đa xuân tứ / Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư / Nước sông Tương một dải nông sờ / Cho kẻ đấy người đây mong mỏi / Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi / Chữ chung tình biết nói cùng ai? / Ước gì gắn bó một hai”.

Cao Bá Quát có đôi bài thơ làm nhớ Nguyễn Bính. Người trước kẻ sau sống cách nhau hàng trăm năm thế mà có chỗ giống nhau, là cùng “Ước gì...” và cùng không toại ước. Khi “mộng không thành”, tiền bối và hậu bối xử sự bất đồng. Cháu Nguyễn khóc ướt khăn hồng, kêu “chị” rối rít. Cụ Cao thì điềm đạm, không “nói cùng ai” cả, mà chỉ “tự tình”.

“Tài hoa là nợ”

“Thương những kẻ giai nhân tài tử / Trót đa mang vì một chữ tình / Nghĩ nguồn cơn thẹn với trời xanh / Tưởng nông nỗi giận cùng trăng bạc / Tương tiếu nhất thanh song lệ lạc / Khả liên bán điểm thấp châu huyền / Trách vì phận lại giận vì duyên / Duyên phận những vì tình nên nỗi / Dẫu dạ sắt gan vàng cũng rối / Vẩn ruột tằm lắm mối càng đau / Tương tư ai để cho nhau”.

Ðọc “Tương tư ai để cho nhau”, nhớ “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Cùng tâm sự, nhưng Cao Bá Quát lời lẽ cao kỳ: “Thương những kẻ giai nhân tài tử”, trong khi Nguyễn Bính khiêm tốn: “Bao giờ bến mới gặp đò / Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”. “Tài tử” xem ra đã đầu hàng duyên phận, còn “bướm” hình như chỉ mới bắt đầu thắc mắc. Nhưng ai nấy đều biết, người ở “thôn Ðoài” rồi cũng sẽ bó tay “lạc lệ” y như bậc tiền bối trăm năm trước của mình thôi.



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa mới nhất 7-2020























_________
(1) Chữ dùng của Phạm Thế Ngũ khi nhận định về Cao Bá Quát trong
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Sài Gòn, 1961-1965.
(2) Câu này lấy từ bài “Tiền Xích Bích phú” của Tô Đông Pha.
(3) “Tương tiến tửu” là tên một bài thơ của Lý Bạch.
(4) Phạm Thế Ngũ, sách đã dẫn.
(5) Đương thời có câu “Thần Siêu, thánh Quát”, ý ca tụng văn tài của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát.
(6) Câu này lấy từ bài “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” của Lý Bạch.
(7) “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy / Nếu không chơi thiệt ấy ai bù!” (Nguyễn Công Trứ, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”).
(8)
Truyện Kiều, câu 2223: “Làm cho rõ mặt phi thường”.