“Nguyễn Công Trứ theo Phạm Thế Ngũ”




Sinh năm 1778, mất năm 1858. Tự Tồn Chất, hiệu Hi Văn, quê làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân. Khi Tây Sơn ra bắc năm 1787, vua Lê bỏ Thăng Long chạy, N.C.Tấn xướng nghĩa cần vương, được phong Ðức Ngạn hầu; sau vua Lê thua chạy sang Tàu, N.C.Tấn về quê, sống nghèo, mất năm 1800.

Năm 1803 Gia Long tuần du xứ bắc, ghé Nghệ An, Nguyễn Công Trứ (NCT) tới hành cung dâng một bài điều trần gọi là Thái bình thập sách. Năm 1813 đậu tú tài, năm 1819 đậu giải nguyên.

Hoạn lộ của NCT không suông sẻ. Chi tiết chính như sau:
- 1820: Hành tẩu sử quán (đời Minh Mạng).
- 1822: Tri huyện Ðường Hào (Hải Dương).
- 1825: Lang trung bộ Lại.
- 1826: Phủ thừa Thừa Thiên. Hiệp trấn Thanh Hóa, tham gia đánh giặc Lê Duy Lương. Ra bắc làm Hình bộ Tham tri coi Tào Hình tại dinh Tổng trấn Bắc thành.
- 1827: Ðánh giặc Phan Bá Vành thành công.
- 1828: Về kinh, thăng Hình bộ Hữu Tham tri. Xin đi dinh điền ở duyên hải Bắc bộ. Lập huyện Tiền Hải ở Thái Bình, hai tổng ở Nam Ðịnh. Năm sau lập huyện Kim Sơn ở Ninh Bình.
- 1830: Về kinh, bổ Hữu Tham tri bộ Hình.
- 1831: Do việc Phí Quý Trại, bị giáng bổ tri huyện ở kinh, xuống 7 cấp.
- 1832: Thăng Lang trung Nội vụ, rồi bổ Bố chánh Hải Dương. Thăng hàm Binh bộ Tham tri, thụ chức Tổng đốc Hải An (Hải Dương - Quảng Yên).
- 1833: Tham tán quân vụ, cùng Lê Văn Ðức đánh giặc Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang thành công.
- 1835: Binh bộ Thượng thư, vẫn lĩnh chức Tổng đốc Hải An.
- 1836: Giáng 4 cấp, sau được phục 3 cấp.
- 1839: Giáng xuống Hữu Tham tri, đổi vào bộ.
- 1840: Thăng Ðô sát viện Tả Ðô ngự sử. Chủ khảo trường thi Hà Nội.
- 1841: Qua Miên, làm Tán lý cơ vụ, cùng Trương Minh Giảng giữ thành Trấn Tây. Thăng Tham tán đại thần. Sau vì tình thế khó khăn, phải rút về An Giang, bị giáng xuống Binh bộ Lang trung kiêm Tuần phủ An Giang. Nhờ dẹp giặc Lâm Sâm, chém được Phiên Tăng, được thăng Binh bộ Thị lang.
- 1843: Thăng Binh bộ Tham tri. Tháng 10, bị Nguyễn Công Nhàn vu cáo tội buôn đồ gian, bị cách tuột hết chức tước và phát đi làm lính ở Quảng Ngãi.
- 1845: Bổ chủ sự bộ Hình
- 1846: Quyền Án sát Quảng Ngãi. Phủ thừa Thừa Thiên
- 1847: Thăng Phủ doãn. Xin về trí sĩ, nhưng vua Thiệu Trị không cho.
- 1848: Lại xin về, được Tự Ðức chấp thuận.

Sau khi về hưu, tương truyền hay bận áo lụa xanh, quần vải đỏ, cưỡi con bò vàng có đeo nhạc ngựa. Hay vãn cảnh chùa. Năm 1852, dân Tiền Hải nhớ ơn, dựng sinh từ, rồi đón ông ra chơi làm lễ long trọng coi như vị thần sống. Có kẻ mật tấu triều đình là ông có dị chí. Tự Ðức đòi về hỏi, xét việc không có thật nên bỏ qua. Năm 1858, nghe tin Pháp và Tây Ban Nha đánh Ðà Nẵng, NCT xin ra trận nhưng vua không cho. Cuối năm ấy NCT mất tại làng Uy Viễn.

Tác phẩm chữ nôm để lại gồm:
- Một bài phú (Hàn nho phong vị phú).
- 52 bài thơ luật.
- 63 bài hát nói.
- 21 đôi câu đối.
- 2 bản tuồng (Tửu hộiLý Phụng Công).


(Theo
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ)