“Trời ơi, làng của tôi! Tôi kêu lên, nước mắt ứa trào. Tôi chạy như bay không còn biết mệt là gì... Ðập vào mắt tôi là cảnh tan hoang của những ngôi nhà bị sập. Cây cối gãy đổ, xiêu vẹo. Hoảng hốt, bàng hoàng, tôi chạy thêm một đoạn nữa. Tôi ước tính đúng khoảng này là ngôi nhà của mình. Tôi đứng sững lại. Trước mắt tôi là một hố bom sâu hoắm (...) Tôi quỵ xuống. Người không còn cảm giác nữa... Bà con lối xóm chạy đến, thấy tôi, họ kêu lên: "Con ơi! Còn chi nữa con ơi! Ông bà, cha mẹ, anh em con ở dưới đó cả rồi (...)" Ðau đớn, tôi lấy tay cào bới đất đai tìm kiếm. Nhưng chính tôi cũng không biết mình tìm kiếm cái gì (...) Bàn tay tôi quờ quạng đụng phải những mảnh bát vỡ nằm rải rác quanh miệng hố bom. Trời ơi! Những chiếc bát, bữa cơm đầm ấm của gia đình tôi! Còn đâu, còn đâu...”. (xem bài thơ Khoảng Trời, Hố Bom của Lâm Thị Mỹ Dạ).

“Tôi” là một nữ thanh niên xung phong 24 tuổi đã ở chiến trường nhiều năm, tức một người lớn rất quen thuộc với tàn phá của bom đạn.

Cảnh ở ngõ chợ Khâm Thiên, buổi sáng “cái Thảo” trở về, chắc chắn còn chấn động hơn cảnh làng tôi, vì Khâm Thiên đã bị B52 rải thảm. Không phải chỉ trọn gia đình Thảo, mà tất cả bà con lối xóm cũng “ở dưới đó cả rồi”. Không có ai còn “ở trên” để chạy đến “Con ơi! Con ơi!”...

Thảo mới 13, lần đầu tiên xa mẹ.

Tôi rồi trấn tĩnh lại được. Nhưng còn Thảo đã ra sao?

Ðêm Tuổi Mười Ba là một ánh chớp không tắt của một trận bom thả đã lâu lắm rồi.

(Thu Tứ)



Lưu Hải Sơn, “Ðêm tuổi mười ba”



Ðã hơn một tuần rồi tôi và cái Thảo phải tự chăm lo lấy nhu cầu hàng ngày của mình. Ðó là lần đầu tiên chúng tôi thật sự sống xa gia đình, cũng không hề có sự để ý của một người lớn nào khác. Ðược ngủ muộn thoải mái, không phải học, không bị sai bảo nọ kia, đói bụng thì tự nấu ăn, mà không thích cơm thì cả ngày chúng tôi có thể ăn trừ bằng một rổ khoai luộc. Thế nhưng ngoài sự tự do có vẻ thú vị như thế, hai đứa tôi luôn bị ám ảnh. Chúng tôi chưa hề nghĩ đến cái chết vì bom đạn bất cứ lúc nào cũng có thể ập xuống đầu mình, mà chỉ hờn tủi, sợ bị gia đình và nhà trường bỏ quên.

Tháng 12 năm 1972. Không quân Mỹ đang mở những đợt oanh tạc dồn dập vào Hà Nội bằng máy bay B52. Cuối năm trời rét ngọt. Như đã thành lệ, cứ khoảng 10 giờ đêm là mọi người lại chuẩn bị tinh thần để đón những trận bom với tiếng nổ rung chuyển kéo dài.

“Ăn nhanh lên, sắp 10 giờ rồi!”. “Tắt đèn đi, sắp 10 giờ rồi!”. Cả đất trời chao nghiêng, bùng bùng lửa. Ánh sáng bom nổ nháy lên như chớp giật liên hồi. Ðạn pháo phòng không, pháo sáng màu cam đan chéo chằng chịt, tên lửa đỏ lòm phụt từng vệt dài. Lửa từ những chiếc máy bay trúng đạn nổ tung rơi lả tả. Nơi tiếng bom nổ rền nhất là cả một vùng lửa cháy tràn lan, hắt lên nền trời đêm một màu đỏ hãi hùng...

Chúng tôi đang bước vào năm học cuối cùng của cấp hai thì cả trường phải rời nội thành đi sơ tán. Tôi cũng không hiểu vì sao đã đi sơ tán mà trường tôi lại chọn cái vùng quê ở gần Hà Nội đến thế. Nằm ngay sát thị trấn Văn Ðiển, chỉ cách nội thành chưa đầy hai chục cây số. Từ bé tôi chỉ biết Văn Ðiển là nơi có nghĩa trang lớn nhất của thành phố, đến nơi mới hay rằng Văn Ðiển còn có nhà máy phân lân, nhà máy pin, cũng là một trong những mục tiêu oanh tạc của máy bay Mỹ.

Sơ tán vội vàng, mọi thứ đều tạm bợ, tất cả học sinh, giáo viên chia nhau ở nhờ những gia đình trong xóm. Lớp của tôi chỉ có mười bảy đứa, ngồi học trong một cái nhà chứa phân khô ngoài đồng. Chúng tôi ngồi trên những cái ghế con mang theo và kê vở lên đùi để viết. Với bọn trẻ chúng tôi thì những thiếu thốn ấy chẳng gây trở ngại gì lắm, mà thay đổi khung cảnh lại có cái thú của nó. Sự căng thẳng là bởi những tiếng bom đêm đêm dội về từ phía Hà Nội, từ các vùng lân cận xung quanh. Cho đến một hôm thì không phải nơi nào khác nữa, bao nhiêu bom nhằm vào nhà máy pin đã rơi chệch ra cánh đồng, ngay sát làng tôi ở. Cánh đồng mạ non mà buổi chiều hôm trước chúng tôi còn rủ nhau dạo chơi, sáng nay lổn nhổn sỏi đất, thân mạ, mảnh bom, mảnh sành của những cái tiểu chôn bị bật lên...

Việc học tập đã bắt đầu chệch choạc. Cứ mỗi tuần lại có hai, ba thầy cô giáo về Hà Nội và không thấy trở lại. Hôm nào cũng có phụ huynh hớt hải lên đón con em về theo gia đình đi sơ tán nơi khác. Hà Nội mất điện. Hà Nội mất nước. Hà Nội đào thêm hầm ngầm... Những thông tin vội vã của người lớn càng làm bọn trẻ chúng tôi hoang mang. Tôi cũng nóng lòng mong anh trai của tôi lên mà chẳng thấy. Rồi cô Tuyết, cô giáo cuối cùng còn ở lại trực trường, gọi tôi và cái Thảo sang, chỉ vào đứa con của cô, nói:

- Cô phải về Hà Nội ngay vì em Vũ sốt cao quá. Hai em ở lại tự chăm sóc lẫn nhau, rồi cô sẽ trở lên. Nhớ là tuyệt đối không được tự động bỏ về Hà Nội đấy nhé. Chỉ nay mai thế nào gia đình các em cũng lên đón mà.

Cô giao chìa khóa văn phòng và kho gạo của nhà trường cho chúng tôi. Chúng tôi cùng hứa vâng lời cô và trông nom tài sản của nhà trường cho đến khi cô hay thầy giáo nào trở lại. Lúc cô đi rồi, chúng tôi mới thực sự thấy trống vắng và lo sợ. Chiều hôm đó tôi thu xếp đồ dùng, sách vở, vác chăn len sang nhà cái Thảo, ngủ chung ổ rơm với nó.

Cái Thảo ở nhờ nhà bà cụ Nghì 80 tuổi. Cụ sống có một mình, cả hai người con trai đều đang ở mặt trận. Cụ Nghì bị mù từ nhiều năm rồi, đi lại sờ soạng. Cụ vẫn tự nấu cơm, đun nước, quét dọn nhà cửa được, nhưng bước chân của cụ đã run lắm. Cụ thường ngồi ở góc nhà cả ngày lần tràng hạt và tụng kinh niệm Phật. Ban đêm cụ đâu cần dùng đèn mà cụ vẫn bật lửa châm ngọn đèn dầu, vặn nhỏ tí như hạt đỗ xanh, để ở đầu giường. Ðiều mà tôi thấy lạ nữa là một hôm ngồi trong góc nhà, cụ bảo cái Thảo: “Cháu ạ, buồng chuối ở cuối vườn đã chín rồi đấy. Cháu chặt đem vào lựa nải to thắp hương, còn thì để mà ăn dần.”

Chúng tôi chạy ra vườn sau thì quả là lấp trong đám thân cây bị đổ do sức ép của bom có một buồng chuối đã chín vàng thơm nức.

Hai đứa tôi cứ tiếp tục sống những ngày bồn chồn chờ đợi ở nhà cụ Nghì. Một tuần, rồi hai tuần vẫn không thấy gia đình lên, cũng không thấy cô Tuyết hay thầy cô nào trở lại. Ngược với tôi là con út trong gia đình, cái Thảo là chị cả, dưới nó còn hai đứa em nữa. Bố mẹ nó đều là công nhân làm đường, nhà nghèo, nên không thể một người nghỉ việc để đưa hai em nó đi sơ tán được. Mẹ nó đành tính cách liều, hàng ngày đi làm khóa cửa nhốt hai đứa con trong nhà. Cái bàn, cái giường và tất cả chăn màn xếp chồng lên nhau làm thành một cái hầm nổi ở góc nhà cho hai đứa trẻ núp mỗi khi thành phố rú còi báo động. Ngoài nỗi hờn tủi tưởng bị gia đình bỏ quên như tôi, cái Thảo còn bần thần lo lắng cho hai đứa em. Ðó chính là điều khiến tôi thương nó hơn, và thường nghe theo sự sắp đặt của nó bởi vì nó đã là một người chị.

Hàng ngày, ngoài việc giúp đỡ cụ Nghì những chuyện lặt vặt, chúng tôi thường đi bộ năm cây số ra thị trấn Văn Ðiển, nơi nhiều nhà cửa hơn và có một tuyến xe đi về Hà Nội, với hy vọng đón người thân hoặc gặp ai đó để biết thêm tin tức. Hôm nào cũng đi và hôm nào cũng thất vọng trở về. Người dân ở đây trong hoàn cảnh thời chiến cũng tản mác đâu hết, chẳng ai để ý đến hai đứa học trò sơ tán còn sót lại ở địa phương.

Cũng có hôm ra Văn Ðiển, cái Thảo ghé vào cửa hàng chạp phô, tần ngần mua thêm một chút mì chính, mấy củ hành, bằng những đồng tiền dè xẻn của hai đứa. Nó ngồi bên bếp lửa nấu cơm, tóc búi cao, má đỏ hồng, tay cời rơm khơi cho ngọn lửa cháy đều như một cô gái quê thuần thục. Nó chẳng bắt tôi làm gì hết, kể cả nhặt rau, rửa bát, vì nó chê tôi làm bẩn...

Ðêm nào cũng thế, chúng tôi thắp một cái đèn nhỏ cho đỡ sợ, chui vào ổ rơm nằm co ro, chờ tránh đợt bom lúc 10 giờ rồi mới ngủ. Ở góc nhà đằng kia, cách chúng tôi một khoảng không gian tối đen là chấm đèn xanh và tiếng lầm rầm cầu nguyện của cụ Nghì. Cụ cứ ngồi như thế, ít khi nằm, tiếng lầm rầm cầu nguyện hết ngày này qua ngày khác tưởng như kéo dài bất tận ấy đã đè nặng lên tâm hồn tôi, khiến tôi lờ mờ cảm thấy còn một cái gì nữa thật tăm tối và buồn khổ mà lứa tuổi chúng tôi chưa thể biết. Cụ ngồi cầu nguyện để làm gì, cho cụ, cho hai đứa con trai, cho chúng tôi, hay cho cái thế giới kinh hoàng ngoài kia, cái thế giới của những tiếng nổ dữ dội đã bứt con cụ đi xa và làm trôi giạt về đây hai đứa trẻ lại loài, một chốc cười, một chốc khóc.

Nằm trong ổ rơm, tôi và cái Thảo vừa lóc cóc nhá ngô rang, vừa thao thao kể chuyện về những kỷ niệm ấu thơ ở Hà Nội. Chúng tôi đố nhau quanh Hồ Gươm có tất cả bao nhiêu gốc cây; rặng lim ở dãy phố nào có cò trắng làm tổ; tối mùa hè ở khu nào hay bắt được cà cuống... Hết cái hay rồi thì đến những cái tếu. Chỗ nào khai nhất Hà Nội? - Cái nhà vệ sinh ngay mặt đường ở ga Hàng Cỏ. Nơi nào hay dẫm phải cứt nhất? - Ấy là các công viên. Cũng có đêm tôi kể cho cái Thảo nghe về những chuyến được theo anh trai đi chở hàng ngoài cảng Hải Phòng. Kể về cái kỷ niệm còn sáng bừng trong tâm trí tôi, ngày tôi năm tuổi, lần đầu tiên theo mẹ leo những con dốc đất đỏ ngoằn ngoèo lên thăm bố tôi ở trại cải tạo. Con đường đất đỏ khiến bàn chân trẻ con của tôi phồng rộp lên ấy, cứ chốc chốc ở mỗi chỗ ngoặt lại xuất hiện những tảng đá lớn, những con vòi voi màu đen xúm quanh những đám hoa vàng rực và vô vàn bướm trắng thoắt biến thoắt bay dập dờn trong thung lũng. Con đường rừng đơm đầy nước mắt tủi cực của mẹ và niềm hân hoan thơ dại của tôi. Tôi bắt được rất nhiều chuồn chuồn và khám phá ra rằng con chuồn chuồn miền núi thật hiền lành và vô cùng khờ dại.

Khác với những câu chuyện lung tung của tôi, cái Thảo hay kể về sinh hoạt trong gia đình. Về đứa em trai thường đái dầm mỗi sáng ướt lây sang cả quần nó. Về mảnh giấy mẹ nó viết vội vàng dặn nó ở nhà nấu cơm: “Xào rau nửa thìa mỡ thôi, còn phải để dành đến cuối tuần”. Về bận phải đòn khi lỡ tay đánh vỡ chai nước mắm, hay một lần bị chị Loan hàng xóm phát hiện nó đã bôi trộm tí nước hoa của chị.

Hầu như kỷ niệm nào của nó cũng phảng phất một cái gì bé bỏng, buồn buồn. Chỉ có duy nhất một đêm cái Thảo hào hứng bất ngờ nói về những ước mơ mai sau. Nó ước được trở thành giáo viên như cô Tuyết. Nó thích giọng nói nhẹ nhàng, đôi môi đỏ tươi và làn da trắng mát của cô. Nó rất quý thằng Vũ con cô Tuyết và đã một lần được nhìn thấy chồng cô với ấn tượng lạ kỳ: “Chú ấy đẹp lắm!”. Nó bâng khuâng hỏi tôi: “Không biết sau này tớ có được như cô Tuyết không nhỉ?”. Tôi bồi hồi: “Thảo à... Thảo sẽ hơn cô Tuyết chứ... Tớ thấy Thảo đẹp lắm...”.

Một thoáng ửng hồng trên gương mặt cái Thảo rồi ánh mắt nó trở nên mơ màng. Nó khẽ xoay người rúc đầu vào vai tôi, âm thầm thiếp đi. Thật ra lúc ấy tôi cũng bắt đầu chớm có cái cảm giác ngượng ngùng tuổi đầu đời. Chúng tôi là những đứa trẻ con đã nhấp nhỉnh lớn...

Tôi ngủ hay co chân như con tôm. Cái Thảo hay nói mê, xoay người đạp giẫy, đầu gối nó thúc vào ngực tôi đánh hự. Ban ngày tôi thấy mình cao nhằng còn cái Thảo bé lui cui, ban đêm đắp chung chăn tôi lại thấy nó béo và lúc nào cũng hôi hổi nóng như một lò than. Có lần tôi thấy ngộp thở vì bị một thân cây chuối chèn ngang cổ họng, tôi vùng vẫy tỉnh dậy thì hóa ra chỉ là giấc mơ. Cái Thảo đã nằm quay nghiêng, mái tóc xổ ra, cả cái bắp chân tròn mập mạp của nó ngang nhiên đè lên cổ tôi. Tôi bực mình, nửa muốn hất mạnh ra nửa ngại ngần, rồi cứ nằm im như thế. Tiếng cầu kinh của bà cụ Nghì rì rầm. Trên cao kia, qua tấm kính ở mái ngói là ánh trăng mông lung. Tôi thấy thấp thoáng sau cành lá tre đung đưa có một vì sao xa xanh biếc.

Trận chiến đêm ấy bắt đầu bằng tiếng nổ khủng khiếp của một quả tên lửa ở trận địa phòng không ngay đầu làng. Tiếp theo là hàng ngàn những tiếng nổ chát chúa của các loại pháo cao xạ. Rồi tiếng rú của máy bay phản lực bổ nhào và tiếng rít của những quả tên lửa do máy bay phóng xuống. Lẫn trong những tiếng nổ lớn, chúng tôi nhận ra tiếng tằng hắng của súng bộ binh bắn vuốt đuôi, nghe lọt thỏm như chuỗi pháo tép của trẻ con. Tiếng mảnh đạn rơi rào rào trên mái ngói, bật vào thân cây tre phát ra những âm thanh nhọn sắc. Nhưng cái tiếng động gớm ghiếc hơn cả mà tất cả bọn trẻ con thời ấy đều biết là tiếng ì ì rù rù từ rất cao vọng xuống của máy bay B52. Những con quái vật ấy chứa trong bụng khối thuốc nổ khổng lồ, chúng trút xuống quê hương tôi lả tả những trái bom như người ta rắc vôi bột. Căn hầm nhỏ có tôi, cái Thảo và cụ Nghì rung lên bần bật, tưởng chừng như sắp vỡ tung. Hai đứa tôi bị xô ép vào nhau, mắt hoa lên, tai ù đặc. Rồi đột nhiên im bặt. Một sự im lặng chết chóc trùm phủ kéo dài. Bắt đầu là tiếng cầu nguyện lầm rầm của cụ Nghì khiến chúng tôi có cảm giác như vừa được đánh thức dậy từ một cõi âm ty địa ngục thăm thẳm nào đó. Tiếng ai đó bên ngoài kêu lên:

- Cháy kìa, cháy to quá! Hà Nội cháy rồi!

Tôi và cái Thảo nhổm vụt dậy chui khỏi hầm phóng ra cánh đồng. Ðây đó thấp thoáng bóng người nhô ra từ những kẽ đất tối đen táo tác hướng về phía có lửa. Hà Nội cháy. Chưa bao giờ tôi thấy ở cuối trời những khối lửa cuồn cuộn phụt lên khủng khiếp như thế! Gió mùa thổi thốc từng cơn. Cả hai đứa chúng tôi cùng gào lên: “Mẹ ơi!”, run lẩy bẩy đứng bám vào nhau trên bờ mương, ràn rụa nước mắt.

Ðêm vô cùng mệt nhọc. Tôi chập chờn thiếp đi nhưng cái Thảo còn rấm rứt khóc. Nó mê sảng hét lên gọi mẹ, gọi em. Nó nằm không yên, trằn người và quẫy đạp dữ dội. Trong đêm đó có tới hai lần bàn chân nó đạp vào mặt tôi đến nẩy đom đóm mắt.

Sáng ra chúng tôi đã có mặt ở thị trấn Văn Ðiển. Ðúng là Hà Nội bị bom thật rồi. Từng đoàn người hối hả chạy loạn. Xe đạp, xích-lô, gồng gánh, nồi niêu soong chảo ùn ùn đổ ra từ thành phố. Ai cũng tất bật hốt hoảng nên chẳng chịu trả lời hai đứa trẻ con chúng tôi. Chúng tôi lại thất thểu quay về. Ði được một đoạn thì cái Thảo ngồi thụp xuống bờ cỏ:

- Nghỉ đi, tớ mệt lắm.

Dường như sự hãi hùng đêm qua và quang cảnh chạy loạn của đám người từ thành phố đã gieo vào tâm hồn tôi một nỗi tan hoang ngơ ngác. Tôi quay lại phía cái Thảo cằn nhằn:

- Chỉ vớ vẩn. Mọi khi đi cả ngày có sao đâu? Làm gì mà ngồi giữa đường như con dở hơi ấy!

- Ừ thì dở hơi đấy. Cậu cút đi, cút về đi!

Cái Thảo bỗng quắc mắt lên như một con mèo cái, rồi lại nhăn nhó cúi xuống khóc thút thít. Chưa bao giờ tôi thấy cái Thảo bẳn gắt và dữ dằn như vậy.

- Cho tớ xin lỗi.

Tôi lại gần nó ấp úng.

- Không sao đâu - Cái Thảo lấy tay chùi nước mắt - Chỉ vì tớ đau bụng quá.

- Ở nhà còn hộp dầu xoa đấy. Hay là để tớ cõng Thảo về. Thảo đau bụng trên hay đau bụng dưới, đau thế nào?

- Ðau âm ỉ từng cơn. Mà thôi cậu đừng hỏi nữa. Chỉ lát nữa là tớ đi được mà.

Tôi ngồi bứt cỏ vu vơ. Cái Thảo gục mặt xuống, bờ vai nhỏ khẽ rung lên, chắc là nó đau ghê lắm. Lúc ấy tôi mới nhận ra qua một đêm mà thần sắc nó bơ phờ, trán và tóc mai nó rịn ra những giọt mồ hôi lấm tấm. Lúc sau cái Thảo ngước lên nói:

- Tớ phải về Hà Nội ngay hôm nay thôi. Tớ nóng ruột lắm, không biết hai đứa em tớ ở nhà thế nào.

- Thì ở nhà đã có bố mẹ cậu rồi. Cô Tuyết đã dặn là không được tự động về cơ mà! Cậu định bỏ tớ ở lại một mình à?

- Không phải thế... - Cái Thảo lúng túng giải thích - Còn chuyện khác nữa... Tớ đau bụng... Cái này của con gái...

- Cái gì của con gái? Tôi ngớ ngẩn.

- Là... là... Cậu chẳng hiểu gì cả. Suốt đêm qua tớ đau bụng quằn quại, nằm mơ cũng chỉ toàn thấy lửa cháy và máu. Tỉnh dậy thì nó đã thế này rồi. Sợ lắm. Tớ phải về hỏi mẹ tớ...

Tôi bâng khuâng hồi lâu. Là đứa con gái duy nhất trong gia đình, tôi chậm biết về những vấn đề của phụ nữ. Thì ra đêm qua, đêm có tiếng bom và lửa cháy dữ dội nhất ở Hà Nội, đêm cái Thảo mê sảng, quẫy đạp ghê gớm nhất cũng chính là thời điểm mà bạn tôi chia tay với tuổi thơ để bắt đầu bước vào những biến chuyển lạ kỳ của thời con gái.

Phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ mới có một chuyến xe chạy về Hà Nội nhưng cái Thào cũng không làm sao chen lên được. Chiếc xe xộc xệch đầy kín người bám trên mui, trên cửa xì khói đen chạy đi trong tiếng chửi rủa của đám đông còn rớt lại. Mãi sau chúng tôi liều chạy ngang đường để vẫy một cái xe tải. Chú tài xế phanh kin kít thò đầu ra quát to:

- Ði đâu?

- Cháu về Hà Nội.

- Trẻ con về làm gì? Không thấy người ta chạy ùn ùn ra kia à. Mà đi với ai, bố mẹ đâu?

Cái Thảo đã mếu máo. Tôi cuống lên nài nỉ:

- Chú ơi, cho nó về đi... Nó đau bụng lắm... Chỉ cần đến ngã tư Bạch Mai thôi. Anh của cháu cũng lái xe như chú mà...

Chú lái xe ngần ngừ giây lát rồi mở cửa cho cái Thảo lên. Cửa xe đóng sầm, chiếc xe rồ máy chuẩn bị lao đi. Ðột nhiên cái Thảo quay phắt lại nhìn tôi. Hai tròng mắt nó mở to trân trân. Tôi chới với. Tôi không hiểu gì cả. Tôi không biết vì sao cái Thảo lại nhìn tôi như thế.

Suốt ngày hôm ấy, hôm sau tôi nằm lì trong ổ rơm. Tiếng bom đâu đó vẫn dội về ầm ì. Tiếng cầu nguyện của bà cụ Nghì vẫn rầm rì đều đặn. Tôi thấm thía sự lẻ loi. Những giọt nước mắt ứa ra. Tôi oán trách mẹ tôi, anh tôi. Tôi oán trách cô Tuyết. Tôi giận mình dại dột đã không theo cái Thảo trở về Hà Nội.

Cứ nằm miên man như thế thì đến buổi chiều bất ngờ có tiếng ô-tô và anh tôi xuất hiện ở cửa. Tôi mừng quá ôm chầm lấy anh khóc nấc lên. Anh tôi cũng rơm rớm nước mắt, xoa đầu tôi an ủi:

- Nào nhanh, thu dọn đi, anh chở về đi sơ tán với mẹ. Thế các bạn đâu, có ai muốn về nữa không?

- Về hết rồi, cả các thầy cô nữa. Chỉ có một mình em ở đây thôi.

Tôi ấm ức nói.

- Tội nghiệp! Vậy mà ở nhà cứ đinh ninh là em đang học bình thường cơ chứ!

Anh tôi cám ơn bà cụ Nghì, biếu cụ những thứ mà mẹ tôi gửi lên rồi đưa tôi ra xe. Vào đến thành phố tim tôi càng lúc càng đập mạnh từng hồi. Mới đi xa có ba tháng mà khung cảnh thay đổi ghê quá. Chỗ nào cũng thấy người đi lại vội vã, dây diện đứt, những tảng đất đá ngổn ngang, những thân cây đổ ập. Ðây đó vẫn còn những mảng khói đen ùn lên. Người ta vẫn tiếp tục hối hả đào bới những khu nhà đổ để tìm những xác chết dập nát. Tim tôi chợt thắt lại bởi một nỗi lo lắng đến đau đớn. Khu phố bị bom nặng nhất là ngõ chợ Khâm Thiên, nơi có căn nhà của gia đình cái Thảo.

Sau mấy tháng theo mẹ đi sơ tán ở quê, tôi lại trở về Hà Nội. Suốt trong khoảng thời gian ấy, điều mà tôi lo âu thắc mắc nhất là số phận của gia đình cái Thảo. Liệu hôm ấy trở về, cái Thảo có tìm được bố mẹ và hai em nó không? Căn nhà nó có nằm trong số hai nghìn nóc nhà đã tan tành trong cái đêm kinh hoàng đó không? Ngày nhập trường, tôi gặp lại tất cả những đứa bạn đã cùng sơ tán lên Văn Ðiển dạo đó, nhưng không hề thấy cái Thảo. Không lẽ nó chuyển trường khác hay là bỏ học rồi? Tôi hỏi các bạn và cô Tuyết. Cuối tuần, trong buổi sinh hoạt lớp, cô Tuyết nói:

- Cô rất buồn khi phải báo tin này cho các em. Bạn Thảo cùng bố mẹ và hai em nhỏ đã chết trong trận bom ở Khâm Thiên đêm hôm đó. Xác của năm người trong gia đình Thảo cùng rất nhiều người khác bị tan nát không nhận diện được nên đã chôn chung một nấm mồ ở ngoại ô thành phố. Cô đề nghị ngày mai cả lớp mình mua hoa, đi xe đạp tới nghĩa trang để tưởng niệm bạn Thảo.

Có tiếng con gái òa khóc. Rồi tất cả đám con trai con gái òa khóc theo. Tôi choáng váng, miệng méo xệch đi, cố gào lên:

- Không, không phải thế... Thưa cô, bạn Thảo không chết đâu... Ðêm bom rải xuống Khâm Thiên thì bạn ấy với em còn ở nhà cụ Nghì cơ mà...

- Em có nhớ nhầm không đấy? Cô đã hỏi ở địa phương, hỏi một số người quen gia đình Thảo, ai cũng xác nhận như vậy cả. Nếu Thảo còn sống thì bạn ấy phải tìm đến trường hay nhà một người thân nào đó chứ!

Tôi muốn nói nữa mà cổ họng tắc nghẹn. Mọi người nhìn tôi lạ lùng. Không một ai tin tôi. Tiếng cái Bích gào lên: “Ối Thảo ơi, tớ đã lấy của Thảo một cái quần mà Thảo không hề nói gì... Thảo ơi, Thảo đâu rồi...”. Ðầu tôi muốn nổ tung. Tôi phóng ra khỏi lớp, băng qua hành lang, chạy một mạch về nhà trùm chăn khóc nức nở.

Tôi không cùng lớp đi đặt hoa ở nghĩa trang. Nhưng trong bốn năm học còn lại tôi không hề gặp hay biết thêm tin tức gì về Thảo. Ðó là ám ảnh ray rứt nhất trong thời niên thiếu của tôi. Cái Thảo ở đâu? Nó sống bằng cách nào? Vì sao mà nó không một lần về nhà cô nó hay ghé qua nhà tôi? Buổi sáng trở về Hà Nội ấy, phải chứng kiến khu phố tan hoang và cái chết đột ngột của bốn người thân nhất, nó đã thế nào? Sức của một đứa trẻ có thể chịu đựng được mất mát to lớn đến thế không? Những người chết thảm đã mồ yên, nhưng những trẻ mồ côi bố mẹ như cái Thảo thì sẽ về đâu...

Ít nhiều thì chiến tranh cũng đã để lại trong tuổi thơ tôi một hội chứng thần kinh không bình thường. Tôi là người duy nhất không tin cái Thảo đã chết bom ở Khâm Thiên, nhưng mười lăm năm sau, ngày cuối cùng chia tay với Hà Nội, không hiểu sao tôi vẫn mua một bó hoa đi ra nấm mồ ở ngoại ô, cúi đầu im lặng.