“Chơi là lãi”. Nhưng chơi thì tốn. Tốn mà không sẵn, thì phải vay. Tức vay để lấy lãi! Vay “nợ phong lưu” không nhất thiết là vay tiền bạc của ai. Nguyễn Công Trứ hẳn chủ yếu vay vào cái vốn thời gian của chính mình. Nghĩa là ông vừa làm vừa chơi chứ không “ky ky cóp cóp” làm. Cớ làm sao Nguyễn Công Trứ bị lãi “ám”? Chắc do ông sớm thấm cái nghịch ngợm oái ăm của “tay chú thợ trời”. Biết chú ấy hay dở trò, hễ có được tí “mặt” là ông chơi, sợ nhỡ “ra hề” không kịp chơi... “Suy mới biết ở đời...”, trừ ông!

(Thu Tứ)



Nguyễn Công Trứ, “Nợ phong lưu”



Suy mới biết ở đời ai cũng hớ,
Vì tài tình nên vướng nợ phong lưu.
Kho trời chung tiêu phí thấm vào đâu,
Chơi là lãi dẫu chưa giầu nhưng chẳng kiết.

Giả giả vay vay lâu cũng hết,
Ky ky cóp cóp chắc hơn ai.
Chỉ chịu thua tay chú thợ trời,
Khéo tỉ mỉ nặn ra người làm múa rối.

Nào nhục nào vinh nào hiển hối,
Mặt ra hề thay đổi mấy mươi phen.
Chẳng gì hơn rượu thánh thơ tiên,
Trời đất ghét ghen chi với hắn.

Thế sự phù vân hà túc vấn,
Thiên kim táng tận hoàn phục lai.
(1)
Hay chơi trời cũng chiều người.







________________
(1) Chuyện đời mây nổi hỏi làm gì, nghìn vàng hết sạch rồi lại có.(TT)