Mộng du nghĩa thường dùng là đi - đi thật - trong khi ngủ. Ðây chắc dùng với nghĩa là mộng thấy đi? Đi trong mộng, thảo nào gặp toàn nghịch lý. Một giấc mộng “sáng tạo”, kể lại bằng lời thích hợp. Nếu vào tay đạo diễn Nhật Kurosawa, chắc chắn sẽ thành một phim ngắn rất ấn tượng. (TT)



Ngô Tự Lập, “Mộng du” (I)



Buổi tối bắt đầu không có gì đặc biệt. Sau bữa cơm tối, tôi uống trà, đọc báo, xem ti vi mươi phút rồi mắc màn đi ngủ. Nửa đêm có ai đó gõ vào cửa sổ. Tôi choàng dậy. Hóa ra ánh trăng. Tôi sực nhớ đã ngày mười bốn. Ánh trăng khiến tôi nảy ra ý định đi chơi. Hồi nhỏ tôi và lũ bạn cùng xóm vẫn có thói quen chơi trăng như thế: mấy thằng bấm nhau giữa đêm khuya, rón rén như những con mèo để khỏi bị người lớn biết, ra khỏi nhà rồi ù chạy lên đồi.

Bây giờ tôi cũng đi rón rén, nhưng hoàn toàn do cảm hứng tuổi thơ đang trở về tràn ngập trong lòng. Tôi bước xuống thềm. Lá vàng rụng đầy trên sân xôn xao lay động như một đàn cá bị lưới quây vào bãi cát. Hai hàng râm bụt dường như dài hơn bình thường. Lối cổng lát gạch cũng rắc đầy lá rụng.

Tôi ra khỏi làng lúc nào không biết, sau đó qua một chiếc cầu nhỏ, rẽ phải rẽ trái vài lần rồi băng qua một khu rừng rậm rạp. Bình nguyên đột ngột hiện ra với những bông hoa dại nhỏ li ti và tiếng chim lóng lánh như thủy nguyên. Xung quanh không một bóng người. Ánh sáng rực rỡ đến nỗi tôi không biết đây là đêm trăng hay một ngày nắng đẹp. Con đường đất gập ghềnh chạy hun hút giữa hai bờ cỏ may màu xám nhạt vẫn còn ướt đẫm sương.

Bỗng tôi đứng sững trước một ngôi nhà khá lớn, tường gạch đất nung, không trát, mái ngói phủ đầy rêu. Bên trái ngôi nhà là khu lán rộng rãi, lợp bằng phên nứa, bên trong có một chiếc máy xay, một chiếc xe đẩy nhiều ngăn mà ở thành phố người ta dùng để bán sách báo, và rất nhiều nông cụ. Chiếc máy xay và chiếc xe đẩy đều cũ kỹ, han rỉ đến mức chắc chắn không thể dùng làm gì khác ngoài việc bán cho hàng sắt vụn. Phía sau nhà nhô lên mấy đống cỏ khô. Không có cây cối gì. Ngôi nhà trơ trụi nổi bật lên trên cánh đồng xanh biếc và thoáng đãng.

Chủ nhân chừng bốn mươi tuổi, cao lớn, cởi trần. Hình như ông ta vừa đi làm đồng về, quần xắn móng lợn, trán vẫn còn lấm tấm mồ hôi. Trông lúc chào hỏi làm quen tôi không khỏi ngạc nhiên về diện mạo của ông ta. Thật khó đoán chủ nhà thuộc hạng người nào. Bộ ngực nở, đôi vai rộng gân guốc, hai bắp tay cuồn cuộn và những ngón chân trần bám chắc xuống đất rõ ràng là của dân làm ruộng. Nhưng cặp kính trắng, cái trán hói và cách ăn nói nhẹ nhàng, lịch thiệp lại khiến ta nghĩ rằng ông là người có học. Ông ta bắt tay tôi, tự giới thiệu rồi mời vào nhà. Cái tên ông ta trúc trắc, nghe lạ tai, chỉ lát sau tôi đã quên khuấy đi mất. Hỏi lại thì thật là bất tiện.

Phòng khách rộng rãi, bày biện sơ sài kiểu nông thôn xưa. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy cỗ máy xay và chiếc xe bán sách báo ban nãy.

Chủ nhà tỏ ra là một người xởi lởi và hiếu khách. Ông rót nước ra hai chiếc bát sứ men rạn, giới thiệu đó là loại chè xanh đặc sản của vùng này. Khi nhận thấy tôi chăm chú nhìn ra cửa sổ, ông nói:

- Những di vật ấy là đồ nghề làm ăn của cha mẹ tôi ngày trước. Cụ ông là thợ xay, cụ bà bán sách báo. Họ là những người tốt bụng nhưng đáng thương. Cả hai suốt đời cần cù, tằn tiện và cố hướng cho tôi nối nghiệp mình. Hồi nhỏ tôi thường được mẹ đem ra thị xã để làm quen với nghề bán sách báo. Mười lăm tuổi tôi đứng ra trông coi xưởng máy xay hơn một năm trời. Những công việc đó tôi đảm đương một cách dễ dàng nhưng chẳng bao giờ cảm thấy thích thú. Tôi muốn viết sách và trồng lúa, những công việc thực sự sáng tạo. - Ông mỉm cười một cách tự hào - Cho đến khi tạ thế, hai cụ đã không thể bẻ gãy được chí hướng của tôi!

Cốc nước đắng ngắt, tôi ngờ không phải nước chè.

Ông chủ mời tôi sang phòng bên. Ðó là một căn phòng nhỏ nhưng sáng sủa. Ô cửa sổ rất rộng mở ra cánh đồng. Một tủ sách lớn choán hết bức tường phía tây, các ngăn xếp đầy những cuốn sách dày bìa đen. Giữa phòng kê một chiếc bàn nhỏ, một chiếc ghế tựa. Trên bàn la liệt sách vở.

Tôi lại gần giá sách, rút một cuốn, lật xem. Cuốn sách được viết bằng một thứ chữ kỳ dị và khó hiểu.

- Ðó là những tác phẩm của tôi - Chủ nhân nói, không giấu vẻ hài lòng.

- Ðấy là thứ tiếng gì? - Tôi hỏi.

- Tiếng Khuông Cơ - Ông ta giải thích - Ðó là một dân tộc đã bị tuyệt diệt. Bây giờ ngoài tôi ra không ai hiểu thứ tiếng này. Năm tôi mười chín tuổi, một ông già mắc bệnh bướu cổ, người cuối cùng của dân tộc ấy, đã dạy tôi. Ông ấy chết lâu rồi.

Tôi ngạc nhiên:

- Vậy ông viết những sách này để làm gì?

Mặt ông ta đỏ lên. Hình như ông ta bắt đầu bực dọc, nhưng sau đó bình tĩnh lại, nói với giọng độ lượng:

- Rõ ràng ông không hiểu gì về nghệ thuật. Tất nhiên tôi viết sách không phải để vứt đi. Ðối tượng phục vụ của nghệ thuật bao giờ cũng phải là con người. Nó làm cho con người trở nên người hơn.

- Nếu vậy ông phải viết làm sao để cho mọi người hiểu được chứ? Tại sao ông không viết bằng tiếng Việt?

- Tôi không biết viết bằng tiếng Việt, cũng giống như không biết nói tiếng Khuông Cơ.

- Ông thử dịch ra tiếng Việt? - Tôi rụt rè sau một hồi ngẫm nghĩ.

- Dịch cũng chỉ là viết lại mà thôi. Nếu dịch được thì tôi đã viết bằng tiếng Việt.

- Thế tên những cuốn sách này là gì? - Tôi cố hỏi một lần nữa.

- Tôi không biết tiếng Việt gọi là gì. Muốn đọc nó cần phải biết tiếng Khuông Cơ.

Chúng tôi cùng im lặng. Lát sau, để không khí khỏi trở nên gượng gạo, tôi quay sang hỏi chủ nhà về nghề nông. Dễ nhận thấy đó cũng là sở thích của ông ta.

- Ông xem, vụ này tôi nhất định sẽ bội thu - Ông ta vừa nói vừa hào hứng chỉ tay qua cửa sổ - Lúa rất tốt. Hy vọng nó sẽ bù đắp lại công sức tôi bỏ ra trong suốt mười năm qua.

Tôi sửng sốt nhận thấy loại thực vật mọc um tùm trên cánh đồng hoàn toàn không phải là lúa. Lúc này tôi mới để ý rằng đó chính là thứ cỏ gai chất thành những đống cao phía sau nhà.

Trong lúc đó chủ nhân vẫn say sưa kể:

- Trong mười năm qua tôi đã gieo cấy hai mươi lần cả thảy. Tôi đã làm lụng như bị khổ sai, chỉ trừ lúc ngồi vào bàn viết. Tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền của để mua giống, phân bón và nông cụ, nhưng sản phẩm thu được chỉ là thứ cỏ gai vô tích sự. Thứ cỏ đáng nguyền rủa ấy đốt không cháy nên đến dùng làm củi cũng không được. Nhưng ông thấy đấy, lần này tôi sẽ thành công.

Chúng tôi lại cùng im lặng.

Lần này người nói trước là ông ta.

- Tất cả những gì tôi làm đều dành cho con người. Ðó là mục đích tồn tại của tôi. Ít ai hiểu được điều ấy. Cha mẹ tôi cũng không hiểu. Họ để lại cho tôi một món tiền lớn và nghĩ rằng tôi sẽ hạnh phúc với cuộc sống đầy đủ và nhàn hạ.

Ông ngừng nói và chúng tôi cùng đi thăm đồng. Chúng tôi không nói chuyện gì thêm nữa, hoặc là có nói nhưng tôi không nhớ. Hình ảnh những cuốn sách bí ẩn và đống cỏ gai choán hết tâm trí tôi, đến nỗi ngay cả việc mình đã trở về ra sao tôi cũng không biết nữa.