“Con gà mới đây còn gáy trong thơ thi sĩ này chí sĩ nọ (...) Vậy mà thoắt cái (...) đã chết rồi.”

Dĩ nhiên không phải loài gà đã tuyệt chủng. “Chết rồi” đây là cái “con gà của xúc cảm”, con gà cứ hễ gáy lên vào những lúc nào đó là Phan Bội Châu, Chế Lan Viên, Huy Cận v.v. lập tức nhớ nước nhớ nhà nhớ em...

Gà xúc cảm qua đời, có những câu thơ hóa bơ vơ, vì người đọc thế kỷ 21 không hiểu được tại sao bài thơ đến đấy bỗng có tiếng gà gáy!

“Nào phải chỉ có tiếng gà gáy!”. Mà vô số tiếng khác, và vô số hình, và vô số mùi, và vô số vị, tuy vẫn còn sờ sờ đó nhưng đã lạc hẳn thời rồi, đã hoàn toàn mất cái khả năng gây xúc cảm nơi người nghe người nhìn người ngửi người nếm rồi...

Cả một nền văn hóa quê kỳ cựu đã chết rồi, chỉ còn ngổn ngang xác chưa chôn thôi!

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Gà gáy trong thơ”




Chế Lan Viên có bài Nhớ Tuổi Thơ:

“Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...
Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!”

Bài thơ viết năm 1985, lúc bấy giờ Chế Lan Viên đã 65 tuổi. Một ông lão chợt nhớ nhà cha mẹ, nhớ ngôi trường học thời thơ ấu. Cái nhớ ấy gồm trong bốn chữ “Nhớ chao ôi nhớ”. Tức nhớ da diết, nhớ quay quắt, nhớ cồn cào. Yếu tố gây nhớ trầm trọng có hai: là trời xanh quá và tiếng gà gáy trưa.

Non nửa thế kỷ trước, lúc Huy Cận vừa lớn lên, cũng từng có câu thơ gà gáy. Trong bài Em Về Nhà một cặp tình nhân tạm chia tay, em về thăm quê, anh ở lại để trí theo dõi bước chân em. Sáng em rời Huế, xế trưa hẳn em đã tới ngã ba Trân Sa trên sông Phố ở Hà Tĩnh.

“Tới ngả ba sông, nước bốn bề
Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê”.

Cái tiếng con gà gáy vào buổi trưa buổi xế, nó khuấy động những nỗi niềm nào đó thật sâu xa nơi lòng người. Sức kích động của tiếng gà trưa, có lẽ Lưu Trọng Lư là người đầu tiên để ý đến: trong một cuộc diễn thuyết về thơ mới ở Qui Nhơn hồi năm 1934 ông Lưu có câu nhận xét: “Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya; ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ.”

Tiếng trùng tiếng gà thành ra là những yếu tố liên hệ đến cuộc sống tình cảm của chúng ta. Gà không phải được nuôi để thưởng thức tiếng hát hay ho; gà không phải là một giống chim cảnh như oanh như yến. Trùng với dế, càng không phải. Vậy mà chúng nó với chúng ta thật mật thiết: khi đêm khi ngày, lúc buồn lúc vui, khi nao nao lúc bâng khuâng, đối với các cụ cũng như đối với các chàng và nàng.

Ðang nhớ nhung mà gà nó dồn cho mấy tiếng gáy trưa thì lòng dạ bấn loạn bồn chồn, hết chịu thấu: gà với người gắn bó chặt chẽ quá. Cái gắn bó quấn quít với dế với gà, giữa thiên nhiên với người, là chuyện cấu thành dài lâu trong khung cảnh sinh hoạt của xã hội nông nghiệp.

*

Những lợn, bò, gà, vịt, mèo, ngựa v.v., chúng đến với người thoạt tiên không phải để đánh bạn hay làm cảnh, cũng chưa phải là để phụ giúp vào công việc gì. Thoạt tiên, đến là chỉ với mục đích cung cấp một món thịt. Vậy thôi.

Ở nước ta, trong các di chỉ khảo cổ tại Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Hoa Lộc v.v., người ta gặp nhiều xương lợn, xương chó v.v. Xương gà chắc không kém. Trước, hãy thế đã.

Rồi sau một thời gian gần gũi, giữa gia súc gia cầm và chủ nhân dần dần phát sinh một thứ quan hệ tình cảm. Ðôi bên mến nhau. Người vẫn tiếp tục nhai thịt gặm xương, nhưng đâm ra mến vật; còn vật (nhất là chó, mèo), chúng càng mến người nặng. Người với súc vật đằm thắm tình nghĩa. Có những nơi, khi chủ nhân lìa trần thì gia súc tiễn đưa đến tận huyệt mộ. Theo phong tục Mường xưa kia, trong đoàn đưa đám, đàn gia súc được xếp đi sau chót.

Bác sĩ Trần Ngọc Ninh ở tuổi cao niên còn nhớ một đoạn trong bài hát đưa ma của dân tộc Mường đã đăng trên một tờ “Kỷ yếu trường Viễn Ðông Bác Cổ” mà ông từng đọc đã lâu; ông ghi lại vài câu theo trí nhớ. Lời Việt nghe ngộ nghĩnh:

“Ði sau cùng là những con của,
Chó, mèo, gà, vịt của người đã chết.”

Bạn thắc mắc về hai tiếng con của? - Ðã có bác sĩ Trần giải thích: “Con của là “gia súc” (...) các con vật nuôi trong nhà”.(1)

Người Mường người Việt vốn rất gần nhau. Trong đám ma Việt cổ không chừng cũng có thể có cảnh tương tự chăng? Hãy mường tượng hình dáng mấy con gà bịn rịn trong số những gia súc đi sau cùng: Khối tang quyến đông đảo gồm đám có vú đã đi trước, đến lượt gà, những thân thuộc có cánh - bịn rịn mà lạc loài, ngơ ngác, chân đeo cựa nhọn đầu đội mào đỏ - chúng trịnh trọng lơ ngơ giữa không khí lễ nghi tang chế vừa thê lương vừa đầy bí hiểm. Ôi, những con gà đưa ma! trông “thương” quá.

Sống chung quấn quýt tình nghĩa với người hàng mấy nghìn năm, con gà để lại cho ta biết bao kỷ niệm. Tiếng gáy của nó vào buổi sáng, tiếng gáy buổi trưa. Có tiếng gà phấn khích, khiến cụ Phan Sào Nam nhân đấy kêu gọi đồng bào “Dậy, dậy, dậy”, thức tỉnh mà lo việc nước. Có tiếng gà làm người nao nao. Lại có tiếng gà làm người quặn nhớ tình nhân. Rồi lại có tiếng gà lay động thời thơ ấu trong lòng người tuổi tác.

Tượng gà đã tìm thấy ở di chỉ Ðồng Ðậu xa xưa. “Tượng” gà bằng đất có gắn chiếc lưỡi tre lá dứa bày bán ở các chợ Tết thôn quê mới hồi gần đây, mua về cho trẻ con thổi kêu te te mấy ngày nguyên đán... Con gà mới đây còn gáy trong thơ thi sĩ này chí sĩ nọ.

Vậy mà thoắt cái con gà ấy đã chết rồi.

Bây giờ sống ở Mỹ, một hôm đi chơi phố Tàu thấy trong tủ kính bày bán mớ gà đồ chơi trông linh động quá, bà mua vài con đem về cho cháu. Cháu trông qua, hỏi là thứ chim gì, rồi không nhìn đến nữa. Có người về Việt Nam thăm quê, trên đường trở lại Mỹ, nhân ghé Thái-lan thấy có bày bán gà đồ chơi nhỏ xíu thật xinh, bèn mua làm quà. Con cháu cũng chẳng đứa nào tỏ vẻ chú ý.

Thành thử gà giả bây giờ chỉ người lớn tuổi lấy làm thích thú. Ðối với giới trẻ, thật vô vị.

Con gà thật, thứ nhan nhản trong các siêu thị, thì chỉ là thây gà. Còn thứ gà vô phúc người xa quê nuôi cho đỡ nhớ cứ mỗi lần gáy lại khiến chủ nó thấp thỏm sợ bị hàng xóm nào đó báo cảnh sát đến phạt vi cảnh! Trong trường hợp này, đối với người không quen nghe tiếng gà gáy, con gà không chỉ vô vị, mà còn quái gở, đáng ghét, không chấp nhận được.

*

Gà thịt thì còn, nhưng con gà gáy không còn nữa. Con gà của xúc cảm không còn, có những câu thơ tự dưng mất vị.

Không phải sao? Chẳng hạn “Nửa chiều gà lạ gáy bên đê” thì việc gì viết ra trong dịp xa em? Không vô duyên, lảng xẹt sao? Lại chẳng hạn nhớ nhà cha mẹ thì cụ cứ tha hồ nhớ, tại sao cài vào đấy câu “gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa”? Gà gáy liên quan thế nào với nhớ nhung? Gặp bảy chữ nọ, hãy tóm ngay lấy, hỏi kỹ vì sao nó lạc vào đây, khơi khơi, vô lối. Nếu nó không trình bày được lý do chính đáng thì phải tống ra gấp gấp.

Tiếng heo bị chọc tiết (hay heo đói) kêu la nhức óc, tiếng cọp rống trên rừng, tiếng ác là trong bụi rậm v.v., cũng không tăng thêm sự nhớ nhung (hoặc nhớ mẹ hoặc nhớ em), nếu lọt vào cũng phải gạt ra cấp kỳ. Câu thơ vốn chật hẹp, đâu phải là vựa để chất chứa ngổn ngang những món hầm bà làng.

Con người cấp tiến một thời là Lưu Trọng Lư bảo “ta” nao nao vì gà. Bây giờ lớp cháu của “ta” hết nao nao rồi. Thơ của “ta” giữa hoàn cảnh sinh hoạt mới hóa thành thơ siêu thực, tối tăm, hũ nút. Nó hóa đá, lầm lì ngồi đấy, chờ đợi một thời kỳ nông nghiệp không hẹn ngày trở lại. Nó ngồi lầm lì, giữa một đống ngổn ngang bao nhiêu là tiếng còn xác mà không còn hồn, mất hết hiệu năng kích xúc.

Nào phải chỉ có tiếng gà gáy!


7 - 2000





________________
(1) “Vấn đề trọng đại nhất của nghìn năm tới”, tạp chí
Thế Kỷ 21, số 134, tháng 6-2000.