Xác già , xác trẻ… “Văn minh” là như vậy đó. Nên “em” mới “chạy”, “tôi” mới “ra đi”.

“Viễn xứ”, “lưu lạc”... Nghe như đã xuất ngoại! Sự tình bởi quê hương có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Quê hương là nước Việt Nam, quê hương cũng là địa phương nào đó nơi mỗi người Việt Nam đã lớn lên. Quê trong “Mắt người Sơn Tây” là quê ở trong Quê... Dĩ nhiên không phải chỉ mắt người Sơn Tây mới “u ẩn”. Trong đoàn quân “Tây tiến” cứu Quê, bao nhiêu “mắt trừng” chắc chắn đều có lúc trở nên u ẩn, khi nhớ những quê Hà Nội, quê Bắc Ninh, quê Nam Ðịnh, quê Hải Dương v.v. Quang Dũng nhớ quê thành thơ, rồi bao nhiêu người khác đọc thơ Quang Dũng, chạnh nhớ quê mình...
(Thu Tứ)



Quang Dũng, “Mắt người Sơn Tây”




Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Ðoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương

Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Ðiêu tàn ôi lại nối điêu tàn
Ðất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan

Ðôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Ðáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Ðã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta.


1949