Số tiền rất nhỏ ngay cả với hai ông cháu rất nghèo kia, nhưng “món nợ” tuy thế vẫn làm cho người đứng đắn thấy mình không còn mặt mũi... Cảnh nghèo xơ xác, sự ra đi vĩnh viễn, tính nết khí khái của ông lão hiện ra qua lời dạy cháu, tất cả khiến “tôi” bàng hoàng...

(Thu Tứ)



Phạm Chí Dũng, “Món nợ”



Mùa đông năm 1987 tôi đang học năm thứ hai tại trường sĩ quan “600”. Tôi sinh ra ở miền Bắc nhưng lớn lên trong Nam nên không có bạn bè ngoài này. Ngoài giờ học và tập luyện quân sự, tôi chỉ biết vùi đầu vào tiểu thuyết. Một hôm, Tuấn - người bạn cùng phòng - hỏi tôi:

- Hình như cậu không thích đi chơi?

- Có chứ - Tôi thở dài - Nhưng ở cái đất Vĩnh Phú này thì đi đâu bây giờ?

- Sao lại không có chỗ đi? - Tuấn kêu lên ngạc nhiên thực sự - Ðể tớ kể cho mà nghe: Cách trường mình mười ba cây số là Ðại học Sư phạm 2 Xuân Hòa, còn mười tám cây số là Ðại học Tài chính. Cậu không thấy chủ nhật nào tớ cũng đi à? Thôi, đi đi cho vui, đừng có tối ngày ôm sách thì có mà phát điên.

Tôi hớn hở đồng ý. Hai đứa thỏa thuận chiều thứ bảy tới sẽ xin phép thủ trưởng khoa và sau đó phóng thẳng lên Phúc Yên, nơi có trường Ðại học Tài chính.

Mãi sau này qua bạn bè tôi mới biết Tuấn có ý định kéo tôi đi chỉ để làm “chân gỗ” mà thôi, để cho anh chàng có thể kéo riêng một cô bạn gái thân đi chỗ khác trong khi tôi phải đối phó với những cô gái cùng nhóm. Tôi hoàn toàn không biết và cũng chẳng quan tâm. Chỉ nghe nói đi chơi, thoát khỏi bốn bức tường và không khí cô quạnh của doanh trại là tôi thích lắm rồi.

Chỉ còn vấn đề phương tiện. Nhưng Tuấn, ngày càng tỏ ra lanh lợi, đã mượn được một chiếc xe đạp Phượng Hoàng chắc chắn của chị nuôi. Ðúng hẹn, chúng tôi leo lên xe và xuất phát.

Trời đang về chiều. Vùng trung du đồi núi mênh mông trải ra trước mắt chúng tôi. Lần đầu tiên từ khi đến đơn vị, tôi có được những giây phút tự do như thế này. Mặc kệ đường càng đi càng dốc, tôi vẫn gò lưng đạp, miệng nói chuyện không ngớt với Tuấn:

- Ê, cậu có chắc tối nay bọn mình sẽ xuống đến Phúc Yên không?

- Chắc quá đi chứ lị - Tuấn vỗ vỗ vào lưng tôi - Rồi cậu sẽ thấy bọn con gái chúng nó quý bọn mình lắm. Ðặc biệt là cậu, nghe nói đến thanh niên Sài Gòn là khối cô mê tít ngay.

- Thôi đi, chẳng đến thế đâu.

- Không, tớ nói thật. Rồi chúng nó sẽ còn đi chợ mua thức ăn thết đãi bọn mình nữa. Nói chung mỗi lần xuống đó tớ cứ lang thang hết lớp này đến lớp khác, “đánh giậm” thoải mái.

Một tiếng đồng hồ sau chúng tôi dừng lại uống nước. Trời chạng vạng tối, hơn nửa đoạn đường đã lùi lại phía sau. Ðó đây hàng quán bắt đầu lên đèn, ánh lửa đỏ từ những bếp lửa hắt ra đường qua liếp cửa. Gió bắt đầu thổi mạnh và hơi lạnh. Chúng tôi nhấm nháp cốc nước chè đặc nóng hổi và nhai kẹo lạc.

- Mệt không? - Tuấn hỏi tôi.

- Chưa gì đâu! - Tôi cười, quệt mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán - Còn tối nay mình ngủ đâu?

- Thiếu gì chỗ ngủ, cậu đúng là ngây thơ quá. Bọn nó sẽ dành cho hai đứa mình hai cái giường đẹp nhất, có ri-đô đàng hoàng, khi nào nói chuyện chán thì ngủ, ngủ chán rồi lại nói chuyện. Thôi, ta đi tiếp.

Chúng tôi đứng dậy. Năm trăm bạc trong túi, tôi trả tiền kẹo nước, xong còn muốn “boa” luôn cho chị bán hàng gần bốn mươi tuổi rất đon đả.

Nhưng sự háo hức của tôi chẳng mấy lúc xẹp lép. Mới đi được thêm một cây số, chiếc xe đạp đã xì bánh sau.

- Chết cha, thủng lốp rồi! Làm sao bây giờ? - Tôi lo lắng hỏi Tuấn.

- Ðể tớ xem xem cái đã. À, đằng kia hình như có chỗ sửa xe thì phải.

Chúng tôi dắt chiếc xe đẹp lọc cọc đến. Vẫn còn cái bơm, chậu nước và một ông già đang ngồi hút thuốc khan, mặt quay ra phía cánh đồng.

- Còn tiền không? - Tuấn hỏi nhỏ.

- Năm chục đồng.

- Năm chục sao đủ. - Ðến lượt cậu ta lúng túng - Thôi thây kệ, tùy tình hình mà “tác chiến”.

Ông lão sửa xe khoảng gần bảy mươi tuổi, ho sù sụ, thân hình gầy gò. Cụ tháo ruột bánh xe sau.

- Này các chú ơi, thủng hai lỗ.

- Vậy hai vết vá bao nhiêu tiền hả bác? Tôi hỏi.

- Các chú bộ đội, tôi chỉ lấy bốn trăm thôi.

Tôi và Tuấn nhìn nhau im lặng.

- Bọn cháu vừa xài hết tiền rồi. Hay để cháu thế đưa bác chứng minh thư rồi lần sau cháu mang tiền đến đưa bác...

- Ơ, cậu - Tuấn đẩy nhẹ tôi - Bác thông cảm cho bọn cháu, bộ đội đâu có bao nhiêu lương.

Ông lão nhìn Tuấn chăm chăm:

- Vậy ra tôi làm không cho các chú à?

- Không phải bác ạ, mà là cháu sẽ trả tiền đàng hoàng. Tạm thời bác cứ giữ chứng minh thư của thằng bạn cháu.

Ông lão suy nghĩ đôi chút rồi gật đầu.

- Ðược rồi, tôi chẳng giữ chứng minh làm gì, các cháu nhớ lần sau trả là tốt.

Trong khi ông lão cặm cụi vá xe, Tuấn ngồi bên cạnh và nói đủ mọi chuyện vui mà cậu ta có thể nghĩ ra được ngay lúc đó. Còn tôi đứng yên chờ, ngó mông vào khoảng tối của con đường cái dài hun hút.

- Thời buổi bây giờ nhiều quân gian trá lắm - Ông lão lại ho và thở ra mệt nhọc - Mấy chú thấy tôi chỉ có một thằng cháu 12 tuổi cùng với cái nhà rách nát này, vậy mà sáng nay cũng có một thằng con buôn dắt xe máy qua đây, vá mấy lỗ gần hơn một tiếng đồng hồ. Nó than vãn là chẳng còn xu nào, hẹn tới trưa trả. Vậy mà tới bây giờ đâu có thấy bóng vía nó đâu kia chứ.

- Vâng, bác nói đúng lắm - Tuấn phụ họa - Mấy cái loại đó phải đem ra tòa mà xử. Còn bọn cháu đây là bộ đội nghiêm chỉnh chứ có phải con buôn đâu.

- Ừ thì mấy cháu là bộ đội...

Cuối cùng thì bánh xe cũng được vá xong. Chúng tôi cám ơn ông lão rối rít.

- Trưa mai quay về cháu sẽ trả ngay - Tuấn nói trước.

- Hoặc không thì thứ bảy tuần tới - Tôi hứa sau.

Ðạp được hai ba trăm mét, tôi ngoái đầu lại vẫn thấy bóng dáng ông lão mờ mờ, người hơi lắc lư trong gió, dường như đang châm thêm một điếu thuốc nữa.

Hành trình đến Phúc Yên, nhờ mấy miếng vá bảo đảm của ông lão sửa xe, rất an toàn. Ðúng như lời Tuấn nói, bọn tôi được các cô sinh viên tài chính tiếp hết sức vui vẻ và nhiệt tình. Sau bữa ăn ngon lành, chúng tôi quây quần nói chuyện và chọc phá nhau rôm rả đến khuya. Tuấn tỏ ra thật sự có biệt tài về khoa ăn nói, thậm chí còn biết chơi cả ghi-ta và hát nữa. Còn tôi, với vai trò một “chân gỗ”, đến nửa đêm tôi đã phải đơn thân độc mã khẩu chiến với các cô gái, để cho Tuấn đi “tâm sự” ở đâu đó ngoài hành lang.

Trưa hôm sau, hết sức thỏa mãn, tôi và Tuấn chào tạm biệt mọi người ra về.

- À quên - Tôi nhắc Tuấn - Cậu mượn ít tiền trả cho ông lão sửa xe, tớ sẽ hoàn lại.

Tuấn chợt nhớ ra:

- Ừ, phải rồi... Nhưng chẳng sao đâu, vài trăm bạc có nhiều nhặn gì đâu, để thứ bảy tuần sau bọn mình đi ngang trả luôn.

Thật ra thì Tuấn có tiền, chẳng biết ở đâu ra, vì dọc đường đến lượt cậu ta kéo tôi vào quán uống nước. Nhưng lúc đi ngang qua chỗ ông lão sửa xe có gốc si già cỗi, Tuấn bấm tay tôi:

- Quay mặt qua bên này này, đừng có nhìn vào mà ông ấy nhận ra bọn mình. Tuần sau tớ sẽ trả.

Ðang kỳ ôn thi, thủ trưởng khoa hạn chế hết sức nghiêm ngặt các trường hợp đi ra ngoài. Tôi suốt ngày căng cả đầu học thi. Tuấn cũng học, nhưng thỉnh thoảng cậu ta lại biến đi mất tăm mấy tiếng đồng hồ, chắc vào trong bản kiếm bắp nướng ăn và tán gẫu với mấy cô gái. Ðôi lúc tôi nhìn cậu ta có ý dò hỏi, đầu tiên Tuấn tảng lờ sau chuyển thành bực bội.

Suốt mùa đông năm đó tôi phải đi thực tập tại một nhà máy ở Sơn Tây và không có dịp nào đi qua con đường bên Ðại học Tài chính nữa. Dần dà chính tôi cũng quên bẵng đi câu chuyện hỏng xe buổi tối đó.

*

Sau kỳ nghỉ Tết ở Sài Gòn, tôi trở lại trường với cảm giác phấn chấn. Tình cảm gia đình, nhất là gần hai trăm ngàn mẹ tôi cho “Ðể con bồi dưỡng sức khỏe” đã làm tôi vui vẻ và tự tin hơn. Bước chân xuống ga Vĩnh Yên, tôi gặp mùa đông lạnh lẽo và ẩm ướt thứ hai. Cả lớp tái ngộ trong một bầu không khí vẫn còn dư âm của Tết, của tiếng pháo.

- Này, cậu có nhớ cậu hứa gì với bọn Tài chính không?

Tuấn nháy mắt với tôi.

- Có, mình đang chuẩn bị mang ít kẹo dừa Bến Tre cho các cô ấy đây.

- Thôi, tranh thủ còn mấy ngày rỗi mà đi đi, chứ không vào học lại bù đầu bù óc cho mà xem. À mà kỳ này cậu nói tớ bận rồi, xin lỗi bọn nó vậy.

- Thật không? Tôi tròn mắt.

- Mày tin cái thằng Tuấn làm sao được - mấy đứa trong phòng cười phá lên - Nó lại sắp sửa “oanh kích” Sư phạm Xuân Hòa đấy mà.

Tôi cũng chẳng quan tâm lắm, bởi tôi đã thuộc đường đi Phúc Yên.

Mượn được chiếc xe đạp của anh bạn khác khoa, tôi lập tức lên đường ngay. Những ngày đông, không khí lạnh và trong lành làm cho con người ta sảng khoái hơn. Một năm qua tôi đã tập lõm bõm được mấy bài ghi-ta, tôi đang háo hức đi nhanh đến Ðại học Tài chính...

Ðang miên man tưởng tượng đủ thứ, mắt tôi chợt đập phải cây si già và cái biển sửa xe cũ kỹ bên đường. Tôi ngờ ngợ, rồi sửng sốt nhớ ra. Ðây chính là chỗ mà một buổi tối mùa đông năm trước tôi đã nợ một ông lão bốn trăm đồng tiền vá xe. Tim tôi đập mạnh.

Không thấy bóng dáng ông lão, chỉ có một cậu bé khoảng 12, 13 tuổi, tay chân lem luốc, đang gõ gõ một cái gì đó.

Một cảm giác ngượng ngùng xấu hổ trùm lên người tôi. “Mình đã thất hứa với ông ấy, bây giờ còn mặt mũi nào nhìn lại nữa.” Tôi muốn đi qua luôn, nhưng không hiểu sao chân không đạp nổi nữa.

Tôi dựng xe và ngồi xuống cạnh cậu bé, run run hỏi:

- Em ơi, ông cụ sửa xe còn ở đây không?

Cậu bé ngừng búa, ngước mặt nhìn tôi, cặp mắt suy tư và hơi có vẻ sợ hãi. Nhìn tôi từ đầu đến chân, mãi sau cậu bé mới buông thõng một câu:

- Chết rồi.

- Cái gì? - Tôi giật nẩy mình, nắm lấy tay đứa bé - Chết rồi à? Hồi nào? Sao vậy?

Cậu bé hốt hoảng giật tay ra:

- Chú làm gì hỏi ông cháu? Ông cháu chết thật mà, bị lao phổi, mới gần đây... Hương còn thắp trong kia. Mỗi ngày cháu thắp ba cái.

Tôi bàng hoàng nhìn theo tay cậu bé chỉ. Trong gian vách lá lụp xụp, một cái bàn nhỏ có mấy nén hương. Chỉ có một nén cháy. Xung quanh, mùi rêu phong đục và ẩm ướt. Một chiếc chõng đã bật lên mấy thanh, một cái rương nhỏ. Có lẽ đó là tất cả.

Tôi đứng dậy, người lảo đảo không vững, trân trân nhìn vào khoảng không trắng xóa trước mặt rồi lại nhìn vào miếng vải đen trên chiếc áo cánh bẩn thỉu của em bé.

Tôi còn một trăm ngàn trong túi, tất cả số tiền còn lại, những tờ năm ngàn mới. Bất giác, tôi lôi hết xấp bạc đặt vao tay đứa cháu nhỏ của ông lão sửa xe:

- Cầm lấy đi em... Giọng tôi nghẹn lại.

- Không, tiền gì vậy chú?

Cậu bé kinh ngạc và sợ hãi nhìn tôi. Tôi cố ấn tiền vào tay em, nhưng em vùng ra và năn nỉ:

- Ông cháu bảo không được nhận tiền người ta cho.

Em bé lùi ra sau mấy bước. Một trăm ngàn rơi tung tóe xuống nền đất lạnh.