Nhà mà “càng vào trong càng rộng mãi ra” thì tất nhiên phải... lấn sang nhà hàng xóm. Số 54 Hàng Ðào chắc khá tiêu biểu cho nhà của những gia đình khá giả trong Hà Nội 36 phố phường hồi đầu thế kỷ 20.

Nhà ngay giữa “Hà Nội phố” mà có “vườn cây ăn quả”! Lại có chỗ để “xay lúa, giã gạo”!

Lối nhà cổ này tuy sâu nhưng không hề thiếu ánh nắng, vì từ ngoài vào trong có đến mấy cái sân. Ánh nắng có lẽ thường rất dịu vì đã đi qua một giàn hoa, giàn lá...(1)

Sau một trăm năm, ở số cũ nay có còn cái gì cũ không?

(Thu Tứ)

(1) Xem bài “Hà Nội... sân” của Nguyễn Ðình Toàn.



Vũ Ngọc Phan, “Nhà ở phố cổ”



Cái nhà số 54 (Hàng Ðào) (...) mặt nhà trông ra đường rất hẹp nhưng càng vào trong càng rộng mãi ra, cuối nhà là một vườn cây và một căn chứa củi, đồng thời dùng làm nơi xay lúa, giã gạo. Từ mặt nhà quay ra đường phố trở vào, trước hết là gian cửa hàng. Ở gian này, sát với hè đường là một cái bể cạn trong để than, chổi xể, xưa dùng để chứa nước phòng cháy, nay có những tấm ván cửa lùa đặt lên trên, nên gọi nó là cái bục ngồi hàng. Sát bên ngoài bục, kê một cái yên dài cho khỏi trơ (...) chiều tối thì lắp cửa lùa, thường gọi là “lên cửa hàng”. Người ngồi chào khách, ngồi phía trong cái yên, thường gọi là mợ Hai hay mợ Ba ngồi hàng. Trên cái yên có một cây sào dài, buộc những mép dạ đủ các màu xanh, đỏ cho đẹp mắt. Phía trong, sát với cái bục kê một tấm phản dài, trên phản ở sát tường kê tủ trong xếp các thứ tơ, lụa, the, lượt, vải, vóc v.v. Ðó là gian cửa hàng. Ðến chỗ ở là một gian khá rộng có một cái sân nhỏ, giữa sân là một cái thống nuôi cá vàng và có núi non bộ với một cây si già cao chưa được hai gang nhưng tuổi nó bằng tuổi thầy tôi, dưới gốc nó có lão tiều, có cầu, có quán bằng sứ (...) Gian ngoài, giáp cửa hàng kê một bộ ván gụ để bà nội tôi nằm, phía bên kia sân kê một cái giường và một án thư với hai ghế đẩu để gia đình chú sáu tôi ở. Gian thứ hai cách gian ngoài bởi một buồng xép; gian này kê một cái giường và hai ghế trường kỷ với án thư là nơi chú tư tôi ở, đến một cái sân nhỏ, rồi đến một bộ giường ghế là nơi gia đình thầy mẹ tôi ở, rồi lại đến một buồng xép nữa. Ðến trong cùng cũng có sân ở giữa, bên này sân là cái rương thóc, bà tôi và mẹ tôi đong thóc ở bên làng Gia Thụy để xay giã lấy gạo ăn và nuôi gia cầm. Trước cái rương thóc là cái phản bếp làm chỗ ngả mâm bát hai bữa cơm và bên cái phản có cầu thang gỗ lên gác. Chỉ riêng gác này rộng rãi, ở được, phía trong (...) có bàn thờ ông vải (...) ngoài là nơi thày tôi và các chú tôi đọc sách và họp bạn làm văn bài. Bên kia sân trong cùng là gian bếp khá rộng, cửa bếp mở ra phía sau là một khoảng đất rộng, có một khu đất hình chữ nhật, có bó gạch chung quanh; đó là vườn cây ăn quả, cây táo loại quả dài rất ngọt, cây mơ, cây lựu ở ngay bên cửa bếp rồi đến những cây hoa sói hoa dạ hợp (còn gọi là hoa trứng gà), cây huyết dụ, cây rau ngót v.v. Trong cùng cái vườn rộng ấy là nhà củi có cối xay, cối giã và bên cối giã có cái cửa ngách đi sang nhà bác tôi (nhà số 42). Trên hai gian nhà ngoài đều có gác xép. Gác xép trên cửa hàng dùng để chứa những đồ dùng hỏng gẫy chưa nỡ vứt đi và những mâm bát dành cho những ngày giỗ tết, cưới xin, ma chay. Gác xép trên gian buồng giữa nhà có bàn thờ thổ công, cứ rằm, mồng một và những ngày tết, ngày giỗ ông bà, lại phải bắc thang tre lên đặt đồ cúng. Xưa giỗ tổ tiên, các nhà đều cúng thổ công, cầu thổ thần để hồn người chết được về nhà. Hai cái gác xép, tôi không bao giờ được lên (...) Tất cả trẻ con trong nhà số 54 đều sinh ra ở cái ngăn nhà có kê phản bếp bên chân thang. Cái ngăn này rộng chừng mười mét vuông, mặt ra sân bếp và mặt lối đi đều không có cửa. Từ hai chị tôi cho đến tôi và các con của thím tư và thím sáu đều ra đời ở ngăn nhà này. Hễ trong nhà có người ở cữ thì mặt ra sân, mặt lối đi (...) và mặt thang gác đều bịt kín bằng cánh xếp.(1) Những lúc có người ở cữ, muốn lên gác, phải đi qua sân bếp mới lên được thang (...)

Lối nhà cổ như nhà 54 Hàng Ðào mùa đông rất lạnh. Gió ở cách sân lùa xuống, những giường kê gần sân đều phải có cánh xếp che trong những đêm đông. Mùa hè, treo mành che mưa gió. Những hôm nóng, không buông mành, nằm trên giường có thể nhìn khắp mái gian trước (...)


(Trích Vũ Ngọc Phan,
Những năm tháng ấy, nxb. Văn Học, Hà Nội, VN, 1987, tr. 31-32. Nhan đề phần trích do người chọn tạm đặt.)






_________________
(1) Cánh xếp là một thứ rèm làm bằng cói, đan sít, chiều ngang chừng 2 mét, chiều dài cũng chừng 2 mét, có nẹp tre ở giữa và ở hai mép trên và dưới.