(Lời bàn sẽ viết)



Võ Phiến, “Hồn sách, hồn người”




Tam quốc chí diễn nghĩa là pho truyện trên dưới 120 hồi (...) trong đó có hàng trăm trận đánh, có vô vàn kế sách mưu mô. Nhưng (...) người viết Tam quốc không chỉ (...) kể lại các cuộc chém giết nhau.

Tám chín phần mười pho truyện là tưng bừng, náo nhiệt, là những vẫy vùng của anh hùng hào kiệt bốn phương. Vậy mà mở sách ra gặp ngay bài hát theo điệu Tây giang nguyệt:

"Cổn cổn trường giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tận anh hùng
Thị phi thành bại: chuyển đầu không!"

("Sông dài cuồn cuộn về đông,
Sóng vùi gió dập anh hùng còn đâu
Ðược thua phải quấy tranh nhau
Xôn xao mấy chốc ngoảnh đầu thành không!")

(...) Mấy câu ca "trường giang đông thệ thủy" nằm ở đầu sách (...) chủ trì toàn bộ pho sách, nằm ở đầu mà chiếu một cái nhìn bàng bạc suốt một trăm hai mươi hồi. Cái nhìn của nó chiếu đến tận cái đêm Khổng Minh tuyệt mệnh sao rơi lạnh lẽo ở Ngũ Trượng Nguyên, đến cái cảnh ông tướng Cam Ninh dựa gốc cây ngồi chết một mình quạ bu khắp người, đến những lời khờ dại ngu ngơ của Hậu chúa giữa buổi tiệc trong thành Lạc Dương v.v.

Trên đất Trung Hoa trong khoảng mấy chục năm từ lúc nhà Ðông Hán suy vi cho tới khi Tấn Vũ Ðế chiếm xong Ðông Ngô, có giặc giã rối ren, có hàng trăm ông tướng chết, có vạn vạn quân sĩ bỏ thây; người đương thời có thể trông thấy tận mắt những cái đó, nhưng ai mà thấy cái "cổn cổn trường giang đông thệ thủy, lãng hoa đào tận anh hùng" (...) cái hắt hiu của kiếp người vô thường, cái không hư của thế cuộc phế hưng? Mắt nào chứng kiến được cái ấy? Cái không khí bàng bạc khắp pho truyện 120 hồi, ngoài đời không thể trông thấy nó đâu cả. Cái đó không hề có ở ngoài đời. Cái đó là linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật (...)


1989

(Trích “Viết sách, nuôi cây”. Nhan đề phần trích tạm đặt.)