“Chợt nhớ mình…”. Nhớ thế là tỉnh hẳn rồi. “Bây giờ là thời của…”. Thời xấu cho người vẫn là thời hay cho thơ. Tưởng tượng “ta” đã sống trên một đất nước thái bình, trong một xã hội đạo lý… Thực ra, “ta” làm lính hay làm dân không quan trọng. Làm gì, thì “mình” cũng chẳng giống ai. Nhờ người “hay” gặp thời “hay”, nên thơ ngông này có thêm một giọng chán kể cũng hay. (Thu Tứ)



Nguyễn Bắc Sơn, “Tháng ngày của một người lính làm thơ”




Nơi ngã ba đường này ta đã đứng chờ xe cùng
các tay tứ chiếng
Chiến tranh đã xua đuổi ngươi ra khỏi quê nhà
Còn ta, ta tuy ở quê nhà nhưng thật ra là một
người lạ mặt

Có đêm ta thắp lên ngọn đèn dầu leo lét
Ðọc cuộc đời những hào kiệt khi xưa
Thấy mình giống người anh hùng lỡ vận.

Có đêm ta thức dậy, thò chân xuống chiếc
giường bố nhà binh đụng nhằm
bàn cờ tướng
Chợt nhớ mình là tên tiểu tốt vô danh
Ðang thất thểu trong vòm trời khói đạn

Có đêm ta thức dậy nửa khuya trên ngọn đồi
gió cát
Không biết mình đang nằm ở đâu đây
Có phải chăng ta đã nghe những tiếng còi tàu
Ðang chìm khuất cùng gió qua đồng trống
Ôi tiếng còi, ôi tiếng còi văng vẳng kia
Cớ sao mi làm ta vô cùng tưởng nhớ
Mái nhà xưa
Bụi dã hoa và ruộng nước kề bên thiết lộ
Nơi đó ta để quên một thiền phòng,
một ống sáo đen, một chồng sách thánh hiền
và một tâm hồn đa cảm

Có đêm ta nằm nói chuyện một mình
Bầu bạn cùng con thằn lằn chắc lưỡi
Và nhiều khi giật mình
Vì thấy mình cũng vô tình chắc lưỡi theo

Ở quê nhà ta tìm đâu ra những bằng hữu tốt
Nên thấy mình là kẻ lưu dân
Nên lầm lũi dưới trời đứng bóng
Những kẻ ngày xưa chơi đùa với ta chung
một mái trường
Giờ đây rất thích làm quan lớn

Ở quê nhà không có dấu hiệu nào cho thấy
trên trời còn có Chúa
Bây giờ là thời của ruồi bọ kên kên
Thời của thương gia, của kẻ giết người và
quân cướp cạn
Còn ai dám hồn nhiên nhận mình là thi sĩ đâu?