Loài người dễ chưa có ai đáng được... hít khói hơn Nguyễn Tuân, bằng Nguyễn Tuân. Và riêng đối với các hiệu thuốc lá, thì những dòng ghi trên thực đáng trân trọng quá chừng, đáng kẻ chữ vàng lên biển son mà treo làm quảng cáo (ở những nơi còn cho quảng cáo thuốc lá). Cái “tập hình thức” khói của “tôi” còn mỏng lắm, còn thêm được vô số “trang”. Có thứ khói khi gặp chắc “tôi” cũng sẽ yêu khá dễ dàng, như khói đốt đồng ở Nam bộ. Có thứ, chỉ mấy năm sau khi kêu “Khói muôn năm!”, tôi đã được gặp, và hẳn tôi không yêu, không xem là “nhân tình cần thiết”. Đó là khói lửa! (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Khói muôn năm!”




Tôi yêu đêm. Đấy là những giờ quý báu nhất trong thời biểu một ngày mà một người biết nói thầm với một người. Tôi sống cuộc đời tiềm tàng của tôi vào lúc khí âm thịnh.

Có nhiều đêm, tôi lại không ngủ, không phải để nghiền ngẫm tư tưởng chứa trong trang sách, hay là biên chép ý nghĩ vụn của mình trên mảnh giấy. Dưới ngọn đèn, tôi chỉ thức để không ngủ, để ngắm bóng tôi in hình đen trên tường tối. Và như thế thỉnh thỏang tôi lắng thấy tiếng của những ngày chết dội về. Trong phút nói chuyện với bóng, gợi lớp tro lòng nguội, tôi thấy đêm không ngủ có một vẻ đẹp thần bí nếu tôi lại được ngửa mặt lên trần nhà mà hút thuốc lá. Khói thuốc càng đầu độc mấy thước khối không khí trong phòng hẹp bao nhiêu, thì trong sọ tôi, đám rước của kỷ niệm càng kéo đông và không ngừng bấy nhiêu. Người xưa, thắp đuốc đi chơi đêm để làm cho dài thêm cuộc đời ngắn ngủi. Tôi, sống những đêm trắng, hút thuốc lá để cho đời tâm tưởng được nhiều và rộng. Hay ít ra, tôi đã nghĩ như vậy. Khói thuốc lá có công to giúp tôi nhận rõ được tôi, trong khi tôi âm thầm, rủ rỉ ngồi chơi với tôi, lắng hồi mõ điếm giao canh hay tiếng gà gọi con nước lên. Tôi thức đêm để hút thuốc lá. Tôi hút thuốc lá để thức đêm. Việc này đã thành một thói quen từ khi tôi được biết rằng thằng người ngòai việc ăn ngủ, còn phải thỉnh thỏang tưởng nhớ. Có ai dám nói là mình vốn không có dĩ vãng. Đêm đêm, đống tro lòng tôi đã dịch chỗ từ trái tim sang cái gạt tàn thuốc ngổn ngang mẩu thuốc, tàn diêm có lót một lớp tro xám. Ngồi thẫn thờ cho tâm hồn bay theo khói thuốc bổng nhẹ, tôi sống cùng ký ức. Trong khi thở thuốc phì phèo, tôi lấy chất khói để chép nhật ký đời tôi. Và tôi nhận thấy cái trống trải, hiu quạnh của lòng giữa sự ồn ào ban ngày đã được đền bù lại bằng cảnh tĩnh mịch của đêm dài ngồi hút thuốc lá. Rồi tôi đâm yêu khói; thèm khói lúc thiếu nó, nhớ nó lúc vắng. Khói đã trở nên một nhân tình cần thiết cho tôi. Tôi đã yêu khói dưới một tập hình thức của nó. Luồng khói than bánh của đòan tầu hỏa trên nội cỏ; luồng khói than đá của con tầu bể trên mặt nước động; luồng khói ét-săng trong đám bụi bay trên đường cái quan; và luồng khói thơm tho của quán cơm sau một ngày đi bộ mệt nhọc. Những luồng khói ấy tự do trên những khỏang trời vô hạn; còn có những thứ khói bị bó buộc trong gian phòng chật hẹp kín bưng như là khói thuốc lá, khói thuốc phiện, khói lư trầm. Rộng, hẹp, cao, thấp, có khác nhau, nhưng tất cả khói đều cảm tôi một cách thấm thía. Chúng nó tiêu biểu những cái gì gọi là nhẹ nhàng, là tinh túy, là không chịu đứng yên một chỗ, là đè lên trên mọi cái thấp là là, lè tè. Khói gợi cho người ta cái hình ảnh của thóat ly và gây một lý tưởng cho kẻ bực dọc với hiện tại mong đi gấp đến chỗ tận thiện tận mỹ.

Tôi muốn kêu lớn: Khói muôn năm!


(Trích từ chương “Dúm cỏ tương tư” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)