Ai biết tuổi ca dao. Nhưng chắc cái câu “Chơi xuân kẻo hết xuân đi / Cái già xồng xộc nó thì tới nơi” đã ra đời trước khi Nguyễn Công Trứ hát nói như sau đây. Chắc cụ “chịu” nó quá nên dùng luôn một nửa làm tên bài thơ của mình... “Lãi” mỗi người lấy một cách. Những cách “lắm công phu” của Uy Viễn tướng công, có phải cứ ai muốn bắt chước là bắt chước được đâu. (Thu Tứ)



“Chơi xuân kẻo hết xuân đi”

Nguyễn Công Trứ




Gẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật,
Ðã sinh người lại hạn lấy năm.
Kể chi thằng lên bảy đứa lên năm,
Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc!

Lại mang lấy lợi danh vinh nhục,
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan.
E đến khi hoa rữa trăng tàn,
Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác!

Tế suy vật lý tu hành lạc,
An dụng phù danh bạn thử thân.
(1)
Song bất nhân mà lại chí nhân,
Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy.

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù!
Nghề chơi cũng lắm công phu.













____________
(1) Theo
Thơ văn Nguyễn Công Trứ, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1983, có nghĩa là: Xét cho kỹ thì ở đời cũng nên vui chơi, sao nỡ để công danh bó buộc thân mình. “Vật lý” là lẽ của sự vật, lẽ đời.