Tô Hoài sinh năm 1920. Vậy những áo, yếm, váy, quần sau đây là lối ăn mặc của phụ nữ Việt Nam ở vùng thôn quê gần Hà Nội trong thập kỷ 1930.

Áo tứ thân nay chỉ còn thấy nơi các diễn viên quan họ hay chèo cổ. Cái “bóng vang” của “một thời”, nó “đậm đà, nền nã”(1), nó không chịu nhường bất cứ kiểu áo tân thời nào đâu, kể cả chiếc áo dài (cũng đã bắt đầu vang bóng!).

(Thu Tứ)

(1) Xem Chu Quang Trứ.



Tô Hoài, “Áo tứ thân”




Các cô trong làng, lớn lên, mặc áo tứ thân và váy chồi - về sau mặc quần, còn cái váy thì dần dần biến mất. Có nhà khá giả, con gái tóc trên đầu còn để trái đào đã mặc áo tứ thân, thắt lưng con cón. Gọi áo tứ thân, vì đằng trước hai vạt dài, một vạt con và vạt lưng áo, cả thảy bốn mảnh. Thường thì áo the, áo lụa, có thắt lưng buông vạt trước. Còn áo tứ thân nâu non, nâu già - áo đi đường, đi chợ, hai vạt trước thắt lại thả xuống gọi là áo dài thắt quả găng.

Những dịp hội hè, đình đám, tết nhất, quần áo và thắt lưng mới “mớ ba mớ bẩy”. Cho đủ mớ thắt lưng rườm rà này thì đếm lần lượt mới ra. Trong cùng là hai dải yếm - yếm đeo trên cổ, trên ngực nhưng hai dải tỏa dài xuống làm cái thắt lưng màu hoa cau, hoa hiên - có thể cái yếm trắng, nhưng dải yếm thì không bao giờ để vải trắng, lụa bạch. Thứ đến thắt lưng bao - các cô tuổi đã chín hay các bà nạ dòng, thắt lưng trong vạt áo dài sau lưng cũng như trước mặt, quấn một vòng. Thắt lưng bao bằng chồi và đũi màu mỡ gà phải là lượt hay đũi dầy bởi nó là cái bao thật, đôi khi trong bao giắt cái gương, khăn mặt, túi tiền, hào tiền giấy. Rồi ngoài cùng mới là giải thắt lưng dài nhất bằng lụa chuội hay nhiễu tam giang.

Chân bước đi, các đầu thắt lưng và những tà áo, có đến mười đầu thắt lưng và tà áo phất phới “mớ ba mớ bảy”.

Dải yếm và thắt lưng giữ cho tấm áo đứng thân. Khuy nách áo là khuy để hờ, ít khi cài vào khuyết. Cổ áo có khuy, có khuyết, cũng không đóng. Nhưng không phải thế là để hở ngực, bởi vì trong ngực áo không cài khuy cũng đã có yếm che. Yếm cổ xẻ hay cổ xây là vuông vải chúc bâu trắng, vuông lụa nhuộm nâu non, màu đào, màu mận chín với hai dải thắt lưng hoa cau nền nã. Những người tuổi đã đứng và con cái nhà phong lưu đều mặc áo đóng khuy (...)

Cũng áo tứ thân còn áo dài đổi vai. Áo đổi vai không phải áo diện đi hội, đi chơi. Nhưng cái áo đổi vai có cái đẹp riêng được hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen thì áo nâu áo the mặc đi chợ, đi đường xa mưa nắng, đeo tay nải hay gồng gánh, mồ hôi rầu rã, vai áo chóng bạc, chóng rách cho nên phải đổi vai, thay từ nửa lưng lên vai bằng miếng vải nâu non mới, trên vạt the nâu, nổi lên hai màu khác nhau. Nhưng cái áo đổi vai cũng còn có ý khéo của người con gái biết làm duyên cả những khi đang xốc vác, quảy gánh. Hai mảnh vải thay vai áo, có khi khâu thẳng ngang đều, cũng có khi cố tình khâu so le miếng dài miếng ngắn một chút.

Ở nhiều làng quê, các chị nhàng nhàng đứng tuổi vào mùa hè cắp rổ hay quảy gánh lên chợ mặc áo đổi vai khá táo bạo. Không mặc mà cái áo chỉ vắt vai, trước ngực có yếm nhưng cả tấm lưng và vai để trần. Ðấy là các người đã có chồng con, chứ con gái thì không dám mặc áo hở lưng ra thế.


(Trích
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, VN, 2000, tr. 747-751. Nhan đề phần trích tạm đặt.)