Bánh mà như quả trứng gà, mà nở như cái “huê”! Cúng mứt có “sấy”, thế thì xem sấy là “mứt thịt” hay sao? Cứ theo cách làm, đấy là khô lợn. Có khô nai, khô bò, sao không có khô lợn. Đã công phu làm sấy, phải thửa cho được thứ nước trắng của làng Vân nhỉ. (Thu Tứ)



“Vài miếng ngon xưa”

Vũ Ngọc Phan




Ngày mồng ba (tết), nhiều nhà hay làm thang, cuốn... Ăn những thứ này phải có cà cuống pha vào nước mắm ngon và phải trữ ít dấm cái để chưng với mật và lạc rang, nhồi vào mỗi cái cuốn (...) Trong ba ngày tết, buổi chiều thường cúng mứt, không cúng cơm. Mứt bí, mứt hạt sen, mứt lạc, mứt dứa, mứt quất, mứt gừng, mứt phật thủ, bánh phồng Vẽ, bánh huê Cầu và sấy. Bánh phồng Vẽ là thứ bánh bằng bột nếp do làng Vẽ (Ðông Ngạc) làm, áo đường trắng, to bằng quả trứng gà, ăn giòn tan và như biến đi trong miệng, để lại một hương vị rất thanh. Bánh huê Cầu là thứ bánh làm bằng bột nếp, vuông gần bằng ba ngón tay, màu vàng, xanh và đỏ, bỏ vào chảo mỡ đang sôi, bánh nở cong rất đẹp. Bánh huê Cầu do làng Xuân Cầu làm, Xuân Cầu thuộc Văn Giang, trước thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Hưng Yên. Nhiều nhà sáng mồng một mới đem rán bánh. Bánh nở nhiều thì năm mới làm ăn thịnh vượng. Sấy là thịt lợn nạc đập bẹt như chiếc bánh đa nhỏ, ướp nước mắm ngào với đường và riềng rồi đem sấy khô, dùng để nhắm rượu thì ngon tuyệt.


(Trích Vũ Ngọc Phan,
Những năm tháng ấy, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1987)