Cái học xưa nhằm thăng hoa tinh thần. Cái học nay có mục đích cải thiện điều kiện vật chất. Một đằng “bổ tâm”, một đằng “bổ thân”. Ta đổi lối học cũng lâu rồi. Bây giờ “thân an” hơn, nhưng “tâm” lại kém “lạc”. Cứ đà “tu Tây” hiện nay, chẳng bao lâu cái tâm Việt nó sẽ loạn y như cái tâm Tây. (Thu Tứ)



Trần Trọng Kim, “Học có hai nghĩa”




Cái học hàm dưỡng của người đời xưa (...) ngày nay có người cho là vô ích. Chẳng qua là người ta hiểu lầm cái chữ học. Học có hai nghĩa: một là học để gây nuôi cái nhân cách đặc biệt, đem cái tinh thần và cái tình cảm con người thoát ra ngoài những điều hèn hạ, mà đi vào con đường cao khiết, thanh nhã. Hai là học để chuyên tập một nghề nào cho sành mà ứng dụng ở đời. Có lẽ ngày nay người ta bỏ quên cái nghĩa thứ nhất, mà chỉ chú trọng ở cái nghĩa thứ hai, cho nên thấy cái gì không có lợi ngay, thì cho là vô ích.


(Trong lời “Tự tự” của
Đường thi)