Tục truyền “con đĩ cầu Nôm” là cô Tư Hồng.(1) “Đĩ mà có (...) có (...) có (...) có (...)”, trách sao cụ Tam Nguyên chẳng cao hứng “khá khen”. Bụng đầy chữ nho, nhưng cụ xổ nôm thì “con đĩ” nào cũng chỉ có nước bưng tai!

(Thu Tứ)

(1)
Nguyễn Khuyến - tác phẩm, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1984: “Tên thật là Trần Thị Lan quê (...) lấy một khách buôn giàu là chú Hồng. Tên này chết (...) lấy tên cố đạo phá giới là Croibier Hugust (...) Nhờ uy thế chồng, Tư Hồng được thầu phá nốt những mảng tường thành Hà Nội lấy gạch xây nhà cho thuê (...) trở nên giàu có. Nhân Trung kỳ có lụt, Tư Hồng buôn gạo chở lậu thuế vào bán, bị bắt, liền nói dối là đem phát chẩn. Do đó thị không những không bị tội, mà còn được thực dân đề nghị triều Nguyễn phong cho thị hàm “Tứ phẩm cung nhân”, và cho cả bố thị hàm “Hàn lâm thị độc”. Tư Hồng về làng ăn khao linh đình, có người mừng đôi câu đối: “Một đạo sắc phong hàm cụ lớn / Trăm năm danh giá của bà to””.



Nguyễn Khuyến, “Ðĩ cầu Nôm”



Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ
Trời sinh ra cũng để mà chơi
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời
Chơi thủng trống, long dùi âu mới thích

Ðĩ bao tử càng chơi càng lịch
Tha hồ cho khúc khích chị em cười
Người ba đấng của ba loài
Nếu những như ai thì đĩ mốc

Ðĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc
Khá khen thay làm đĩ có tông
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không
Suốt Nam, Bắc, Tây, Ðông đều biết tiếng

Ðĩ mười phương chơi cho đủ chín
Còn một phương để nhịn lấy chồng
Chém cha cái kiếp đào hồng
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số

Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó,
Mai sau ngày giỗ có văn nôm
Cha đời con đĩ cầu Nôm.