Cứ đọc truyện cũ, “thấy” những cơ ngơi to tát, đẹp đẽ, lại tiếc ngẩn ngơ. Tiếc chúng không còn để người Việt Nam bây giờ trông mà biết về văn hóa ở tổ tiên mình đã tinh tế nhường nào. Chuyện từng mấy lần than thở dông dài (1), lần này xin mời ngay bạn đọc vào xem “nhà ông ngoại tôi”... (Thu Tứ) (1) Xem “Vào Trịnh Phủ” (Lê Hữu Trác), “Chuyện cũ trong phủ Chúa” (Phạm Đình Hổ), “Nhà ngói cây mít” (Chu Thiên).



Nguyễn Xuân Huy, “Nhà đẹp như thơ”




Không bao giờ tôi quên được cái cảm giác buổi đầu tiên tôi đến nhà ông ngoại tôi. Đó là một cảm giác mát rượi và đẹp như thơ. Đi qua cái cổng ngói chắc chắn, đã cũ, phủ đầy rêu, thì vào một lối lát đá xanh to, hai bên lối đi thơm mùi hoa bưởi hoa xoan. Rồi đến cổng trong, trên có chòi canh, đến những sân gạch rộng thênh thang, những chiếc “huân” ngói to lớn, một vườn hoa ở giữa xây một cái bể đựng nước mưa có một cây ngâu rườm rà và một khóm trúc đào hoa đỏ thắm. Chung quanh tất cả là một chiếc ngòi chạy dài theo một lũy tre, nước ao trong vắt, cầu ao bắc bằng những bậc đá xanh to. Từ thuở bé, ở nhà, tôi chỉ được thấy một cái sân đất nhỏ một mái nhà tranh thấp bé, nay lên nhà ông tôi, tôi thấy lòng tôi vui thích quá và lạ lùng bỡ ngỡ như lạc vào một động tiên. Sau này, lớn lên, đi đó đây, tôi đã vào nhiều nhà giầu khác, cũng giầu chẳng kém gì ông tôi, có phần giầu hơn nữa, nhưng không nhà nào có được cái “phong thể” ấy. Không nhà nào cho tôi được cái cảm giác mát rượi và đẹp như thơ ấy, cái “phong thể” quý phái, thanh nhã, sang trọng… Là vì – tôi về hỏi, u tôi đã bảo cho tôi – ông tôi là một nhà nho. Là con một ông Đốc học, ông tôi đã đỗ Tú tài từ năm 17 tuổi, ba năm sau lại đỗ Tú tài lần thứ hai. Ông tôi bèn không đi thi nữa, quyết chí ở nhà làm giầu (…) “Chỉ làm một ông nhà giàu xứ quê là hơn cả. Phong lưu mà chẳng phải luồn lụy một ai”. Với tiền một năm “đi ngồi” làm vốn, và với sự quả quyết, ông tôi đã làm nên sân gạch, tường hoa, lũy tre, ao cá…


(Trích truyện ngắn "Thềm nhà cũ", 1938)