Nguyễn Hiến Lê, “Ðạo là mây sao”



Ở trên chúng tôi đã nói Lão tử (...) cho đạo là "mẹ của vạn vật", vậy nó là khởi thủy của vũ trụ. Nhưng chương 4, ông lại bảo: "ta không biết nó là con ai", nghĩa là ông ngờ rằng trước nó, còn có cái gì nữa mà ông không quan niệm nổi cái gì đó ra sao.

-- Còn đạo có "chung" không thì ông khẳng định là không có. Hễ nói tới đạo, ông nhiều lần dùng chữ "thường" (thường đạo) nghĩa là vĩnh cửu bất biến (...) Lại thêm (...) ông bảo: "theo nó (đạo) thì không thấy đuôi" (...) Một lẽ nữa là ông bảo vạn vật từ đạo sinh ra, biến hóa rồi lại trở về đạo: "luật vận hành của đạo là trở về lúc đầu" (...) Vậy cơ hồ ông cho rằng không gian có thể hữu hạn, nhưng thời gian thì vô cùng.

Trên dòng thời gian vô chung đó, đạo xuất hiện vào một thời điểm nào đó và ông tạm lấy điểm đó làm khởi thủy, cho nên mới bảo: "Ta không biết nó là con ai."

Tóm lại, theo chúng tôi đoán Lão tử cho rằng vũ trụ không có chung, mà có một khởi thủy -- ông gọi là đạo -- nhưng ông cũng ngờ còn có một cái gì trước cái khởi thủy đó, mà ông chưa suy ra được.

(...) đạo có hình trạng gì không? có giống cái gì không? Ông chỉ đáp: cơ hồ không có gì giống nó cả (...) nhưng ông không thể tả nó được vì nhìn nó không thấy, nghe nó không thấy, nắm nó không được (...)

Hai lần Lão tử gọi đạo, bản nguyên của vũ trụ, là "vật" (...) Chữ "vật" đó chúng ta không nên hiểu là một vật như cái bàn là một vật, bông hoa là một vật... mà chỉ nên hiểu là một "cái gì đó". Cái gì đó (đạo) mênh mông "thâm viễn" (chữ này cũng được dùng hai lần), tối tăm (...) hoặc không sáng, không tối, thấp thoáng, mập mờ (...)

Nó "hỗn độn mà thành". Chữ "hỗn" cũng được dùng hai lần (...) có thể hiểu là hỗn tạp, trộn lộn nữa.

Nhưng cái đạo đó vô sắc (...) vô danh (...) vô hình (...) cho nên không thể thấy được. Nó là "vật" thì nó là "hữu" (có) rồi. Nhưng nó vô sắc, vô thanh, vô hình, thì nó cơ hồ lại là "vô" (không). Sự thực nó không hẳn như vậy. Thật khó giảng. Hai lần Lão tử bảo nó "hốt hoảng", nghĩa là thấp thoáng, mập mờ. Lần trước (...) ông cho là nó là cái trạng không có hình trạng cái tượng không có vật thể (...) Lần sau (...) ông bảo ở trong nó có hình tượng, có vật (...) hơn nữa ông còn tin chắc rằng ở trong nó có cái "tinh" (...) Chữ tinh đó có người giảng là cái khí, nhưng cũng có thể hiểu là nguyên lí hay nguyên chất, nguyên tố của vạn vật. Có lẽ nhờ cái "tinh" đó mà đạo mới sinh ra vạn vật. Vậy đạo tựa như , lại tựa như không. Bảo là không thì không được vì nó là "vật hỗn độn mà thành", nó lại có "tinh"; mà bảo là có thì sắc, thanh, hình của nó ra sao, không biết. Chỉ có thể bảo là nó "hoảng hốt", mập mờ, thấp thoáng thôi. Mập mờ thấp thoáng tức là tựa như có lại tựa như không, ở giữa khoảng có và không. Nó thật huyền bí (...)

(...) Lão tử bảo:

"Không" là gọi cái bản thủy của trời đất;
"Có" là gọi mẹ sinh ra muôn vật.


cũng là diễn cái ý tựa như có, tựa như không, vừa không vừa có. Không và có (vô và hữu) ở câu đó trỏ hai "cách thức" (mode) của đạo. Xét cái cách thức vi diệu của đạo thì coi nó là "không"; mà xét cái cách thức sinh hóa tới vô cùng của nó --nhờ cái tinh của nó, như trên đã nói, thì coi nó là "có".

Những đoạn Lão tử rán tả cái đạo đó, khiến chúng tôi liên tưởng tới định nghĩa danh từ nébuleuse của người Âu: một khối mênh mông trong vũ trụ, mờ mờ, hình rất khác nhau, như mây như khói, gồm nhiều chất, khí.

Tới đây, chúng ta có thể bảo rằng theo Lão tử, đạo là bản nguyên của vũ trụ, cũng có thể là tổng nguyên lí hay nguyên tố của vũ trụ.


( Nguyễn Hiến Lê,
Lão tử - Đạo Đức kinh, nxb. Văn Hóa, VN, 1994, tr. 59-63)





_____________________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.