Vũ Ngọc Phan sinh năm 1902. Cái mặc của người Hà Nội mà ông kể sau đây là trong khi ông lớn lên, tức đại khái trước năm 1920.

Từ năm 1920 trở đi, người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam ở các tỉnh thành khắp ba kỳ nói chung, bắt đầu nhanh chóng bỏ trang phục cũ mặc trang phục mới. Phái nam rồi mặc toàn Tây. Phái nữ rồi hầu hết mặc áo dài. Áo dài là một sáng kiến mới xuất sắc của dân tộc ta. Nó “trụ” được khá lâu, nhưng bây giờ coi như cũng đã thôi rồi, chỉ còn thấy ở các trường trung học, một số công tư sở, và trong một số dịp đặc biệt. Bây giờ phụ nữ Việt Nam mặc Tây y như nam giới.

Ở thôn quê, cái quần cái váy cái áo cũ tồn tại được lâu hơn. Nhưng rút cuộc người nông dân Việt Nam cũng đã hóa Tây về trang phục.

Mặc là văn hóa. Cái văn hóa mặc của người Việt, hỡi ôi.

(Thu Tứ)



Vũ Ngọc Phan, “Hà Nội mặc 100 năm trước”



Về mặc, ngày thường, nhà phong lưu, đàn ông đội khăn lượt thâm, mặc áo the La Cả, áo sa trơn hay sa hoa, quần vải trúc bâu, đi giầy Gia Ðịnh (...) Còn đàn bà, chít khăn bịt tóc bằng lượt, nhiễu hay nhung, tóc đuôi gà vắt ngang mái tóc. Phụ nữ mặc áo dài lụa, áo băng, quần lĩnh rút rế, lĩnh Tây Lăng do làng Bưởi dệt, đi dép cong sơn đen, đội nón ba tầm (...) Phụ nữ còn trẻ thường đeo xuyến, đeo vòng vàng ở cổ tay và đeo kiềng vàng hoặc dây chuyền vàng có đính mặt đá quý ở cổ. Con nhà giầu hay đeo hoa tai kim cương. Xưa (...) kẻ cắp (...) ít có kẻ giữa ban ngày dám cướp giật đồ tư trang (...)

(...) về sau, nam cũng như nữ, rất ít người dùng nón. Trai cũng như gái đều dùng ô, trai dùng ô lục soạn đen, gái dùng ô nhỏ hơn, đủ các màu. Các bà, các cô bỏ đôi dép cong (...) mà đi giầy. Phụ nữ có tuổi đi giầy da, còn trẻ thì đi giầy mũi nhung thêu cườm hay thêu kim tuyến (...)

(...) Từ năm 1920 trở về sau, mặc quần áo Tây bắt đầu mỗi ngày một nhiều (...)


(Trích Vũ Ngọc Phan,
Những năm tháng ấy, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1987, tr. 33-35. Nhan đề phần trích tạm đặt.)