“Anh” cụ thể lắm, chính là “Quân Tiên Phong” trong chiến dịch Biên Giới cuối năm 1950, trong cuộc hành quân qua tận sát Luông Pha Băng đầu năm 1954 “tôi” đã cùng đi với “anh”, làm sao quên được. Một “tôi” khác nhớ một “anh” khác, có lẽ đâu đó ở Việt Bắc: “Máu thấm đầy manh áo cũ / Nửa đường anh ngã xuống đây / Để anh trên sườn núi vắng / Không biết có bao giờ trở lại” (Nguyễn Đình Thi, “Người tử sĩ”). Những người “vô danh” ngã xuống để cho Tổ quốc đứng lên, tên họ ghi khắp nơi trên đất nước này. (Thu Tứ)



Chính Hữu, “Vô danh”




Một sườn núi xanh,
Một nấm mồ nằm trong bát ngát
Tôi muốn biết tên anh
Người chiến sĩ vô danh
Ðã làm nên tổ quốc

Muốn tìm tên anh thì hỏi
Ðỉnh núi Khâu Luông đêm đêm gió thổi (*)
Hỏi con đường truy kích năm xưa
Hun hút rừng Lào đi giữa nắng mưa

Hỏi con sông, con sông sẽ biết
Tên những người bôn tập qua đây

Hỏi từng viên đá gốc cây
Ðã trông thấy quân thù tan tác
Hỏi mảnh đất này, khi anh dừng bước
Trên sườn núi khuất vô danh
Xanh như tổ quốc

Ôi tên anh không bao giờ mất!
Tôi thấy tên anh
Trong màu cỏ mùa xuân đã mọc
Một ngôi sao xa long lanh nước mắt
Một nụ cười em nhỏ mới sinh
Trong hạnh phúc
Những con người anh không biết mặt
Trong tên làng tên xóm mông mênh
Tôi thấy tên anh trong tên đất nước
Cuộc sống bây giờ chính là khúc hát
Tên anh
Anh đứng dậy, như ngày xưa đứng gác
Hùng vĩ, tự hào, nghe gọi điểm danh.


1962































____________
(*) Một đỉnh núi cao ở biên giới, nơi xảy ra những trận đánh ác liệt năm 1950. 007