Năm 1927 việc đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi nước còn vô cùng mờ mịt, Nguyễn Trãi trên tiên trông xuống muốn sa nước mắt.

Năm 2021 nước từ lâu hoàn toàn độc lập, nhưng chắc nước mắt Cụ vẫn muốn sa.

“Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác...”.

Máu sông xương núi đánh cho được giặc ra, không phải chỉ vì giặc tàn bạo, mà còn cốt để cho nền văn hiến của nước Việt được tiếp tục tồn tại, phong tục “Nam” được tiếp tục khác phong tục khác.

Than ôi, đại thắng giặc Tây vô cùng oanh liệt liên tiếp hai phen mà sao văn hóa tinh thần Nam lại mỗi lúc mỗi giống Tây thế này!

Ta nên học Tây khoa học, công nghệ, cách làm ăn to, nhưng đạo lý, nghệ thuật là sở trường của dân tộc, sao nhiều người Việt Nam lại đang rẻ ta quý Tây thế này! Thời đại mới, cái gì cũng phải đổi mới, nhưng cần phải đổi một cách độc lập. Chỉ tham khảo của Tây thôi, chọn nhập một số nét hay rồi hóa chúng đi. Giữ địa vị chủ chứ đừng có rước khách vào làm chủ! Thờ ông bà mình chứ đừng có thờ tổ tiên của người khác!

Hội nhập là tham dự bình đẳng, chứ đâu phải là tự đồng hóa!

Tình hình đất nước nếu không thay đổi, trên thượng giới bao nhiêu tiên nát lòng dùng quá nhiều tiên tửu để khuây sầu sẽ nát luôn cả gan.

(Thu Tứ)



Tản Đà, “Gặp cụ Nguyễn Trãi”




Chỗ cụ Nguyễn Trãi ở rất là thâm nghiêm. Mình mới tới cửa, xưng danh, anh gác cửa không cho vào, nói là: Cụ ít khi có tiếp khách. Sau phải bảo anh rằng:

- Tôi là người nước nhà ở hạ giới, không mấy khi lên tới đây. Bác cứ vào bẩm giúp, chắc thế nào Cụ cũng tiếp tôi.

Anh ta có vẻ bất đắc dĩ mà vào, một lát trở ra, thời quả nhiên là Cụ cho gọi.

Theo anh canh cửa vào, thấy đưa thẳng ra vườn hoa phía sau, nói rằng Cụ đang ngồi đợi. Mình thấy Cụ bắt hai tay ra đằng sau, đương đi bách bộ, vẻ mặt coi thật là buồn rầu mà như ý trầm tư lắm, mình đến giáp trước mặt Cụ, cúi đầu chắp tay chào.

- Anh Hiếu, tôi đương buồn, anh đến chơi cũng hay.

Rồi đó, Cụ sai lấy bàn ghế và rượu, quả ra uống. Mình từ tạ không dám ngồi.

Cụ nói:

- Ở trên này không như dưới hạ giới, ai đã lên tới đây thời coi nhau là tiên cả. Huống chi tôi với anh là anh em trong một nhà thời anh đừng nệ.

Cụ cầm ve rượu rót cho mình và nói rằng:

- Cái này, tôi cũng không uống được mấy, nhưng buồn quá thì mượn nó để tiêu sầu. Anh có uống được, cứ uống.

- Dạ.

Uống một hai chén rượu, không thấy Cụ nói chuyện gì, sắc mặt Cụ thì chỉ thấy cứ như thể buồn rầu nghĩ ngợi.

- Bẩm như Cụ, công nghiệp như thế mà cái cảnh ngộ về sau không ra sao; người nước ta sau này đọc sử đến chỗ đó, ai cũng phải lấy làm buồn.

- Cái cảm giác của người đọc sử thế nào thời tôi không biết, còn như tôi mà buồn, không phải là buồn về sự dĩ vãng của tôi, mà chỉ buồn về vận hội sau này của nước nhà. Ðời không có hào kiệt, chẳng thà nước đừng có giang sơn. Tôi thường khi ngồi hầu chuyện đức Thái tổ mà cùng nói đến lúc nào, chỉ tiếc rằng cái thân con người ta không mỗi lúc mà được tái sinh ở trần thế!

Nói đến đây, thấy Cụ như muốn sa nước mắt. Mình cũng vừa buồn vừa thẹn, không biết dám nói lại ra làm sao!

Lúc ấy Cụ uống như đã say, càng hiện vẻ lâm ly cảm khái, mà từ đây Cụ uống lại càng nhiều. Mình nguyên uống được nhiều, nhưng ngồi hầu Cụ thời dầu Cụ có nhắc, cũng chỉ uống cầm chừng mà thôi, đến lúc ấy bất giác cũng uống những hớp rượu thật to, như không uống thời không qua được cái thời khắc.

Trong khi đã cùng say cùng uống, Cụ nói chuyện với mình nhiều câu, có câu như Cụ khuyên, có câu như Cụ dạy, có câu như Cụ khen, lại có lắm câu như Cụ gắt. Mình chỉ hoặc dạ, hoặc ngồi im, dẫu có muốn nói một câu rằng: Con tự liệu không có tài, thời cũng không dám, vì sợ Cụ bao nhiêu thương Cụ bấy nhiêu. Vườn cây u uất, tiệc rượu trầm sầu, một tia bóng tà dương soi xế ở gốc cây. Trong một đời biết bao lúc cùng ai uống rượu, cùng ai uống rượu như cùng ai?


(Trích
Giấc mộng con, đăng lần đầu trên Ðông Pháp thời báo, Sài Gòn, 1927. Nhan đề phần trích tạm đặt.)