Bài “Một tháng ở Nam kỳ” của Phạm Quỳnh viết năm 1918 ghi Ðại Việt tạp chí là báo ở Long Xuyên, do Lê Quang Liêm đứng chủ trương.



“Giao Chỉ, Việt Thường v.v.”

Lê Chí Thiệp




Trong khi soạn lại những giấy má ghi chép cũ để tiến hành việc chỉnh lý và bổ sung những tài liệu mà chúng tôi trình bày ở đây, chúng tôi tìm được một tờ giấy cũ ghi chép sơ lược nội dung của một bài nghiên cứu của ông Lê Chí Thiệp, nguyên giáo sư trường tư thục ở Sài Gòn, viết đăng Ðại Việt tạp chí 16, 17 - tôi sơ ý không ghi năm nào), đề là Gốc tích người Việt Nam. Xem lại mảnh giấy cũ ấy, chúng tôi mới nhận thấy chứng cứ rằng ở nước ta, hoài nghi những ý kiến cũ về Giao Chỉ và Việt Thường và đã có chủ trương tích cực tìm những đất ấy ở vùng lưu vực sông Dương Tử thì ông Lê Chí Thiệp là người đi trước. Tuy ông mới nêu lên những nét đại cương của vấn đề, ông đã có cái tuệ nhãn đặc biệt mà thấy rằng đất Giao Chỉ là đất ở miền nam đối với chỗ ở của người Hán tộc (*) thì không thể tìm nó ở xa hơn tỉnh An Huy, và Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ thì cũng không thể là ở đất Việt Nam ngày nay được. Ông lại bằng cứ vào Việt Thường hiến trĩ trắng và rùa lớn, đối chiếu với sản vật của châu Kinh và châu Dương, mà đặt nước Việt Thường vào miền hai châu ấy. Ông lại cũng nhìn thấy mối quan hệ giữa miền châu Kinh và châu Dương với danh hiệu Kinh Dương vương mà truyền thuyết đặt cho thủy tổ của chúng ta.

Ngoài ba điểm ấy mà chúng tôi nhận là những ý kiến lỗi lạc, ông lại chủ trương rằng các vua nước Văn Lang dùng chữ Hùng làm hiệu (Hùng Vương) là bắt chước các vua nước Sở xưa đã dùng chữ Hùng làm hiệu (Hùng Dịch, Hùng Cừ v.v.), vì các vua nước Văn Lang cùng các vua nước Sở đều một gốc mà ra. Ðiều phỏng đoán này không có căn cứ gì vững, song cũng là một ý kiến đặc biệt cần được chú ý.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005) (Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957).)















________________
(*) Thiết tưởng do đang bàn chuyện xảy ra trước đời Hán, ở đây dùng từ “người Hoa tộc” thì hợp hơn.