Vậy ngoài Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu còn có một người vợ nữa cũng là nữ tướng. Vợ Bùi xông pha lẫm liệt ai nấy đều biết, vợ Vũ cũng không phải vừa. “Oai Như Gái Việt”!(1)

(Thu Tứ)

(1) Tên một bài viết về phụ nữ Việt Nam của TT.



Vũ Ngọc Phan, “Nữ tướng Vũ Thị Nguyên”



Từ thời xa xưa tổ tiên tôi vốn là dân xứ Bắc (1) chuyên nghề làm ruộng. Theo gia phả họ Vũ thì ông tổ bảy đời tôi là Vũ Nghiêm làm quan, không rõ chức gì, bạn thân với Thụy quận công (không rõ tên) ở Thăng Long, nên người con trai cả của ông là Vũ Bân (tự là Tình) năm 19 tuổi, sau khi theo nghiệp nho dở dang, được Thụy quận công thu nạp cho học nghề võ và sau khi thành tài, cho đi trấn thủ biên cương (2) sau được triệu về kinh đô, làm đến chức Quản trấn hậu quân cơ, kiêm nhiệm tứ thành mật sát, tước Thai Lĩnh hầu. Em ông Vũ Bân làm quan thiêm sự triều Lê, tước Ðức Trạch hầu, không rõ tên húy. Ông Vũ Bân có nhiều con gái, một trong số con gái ông là Vũ Thị Nguyên lấy chồng là tướng Tây Sơn. Gia phả họ Vũ chép về bà như sau:

“Cụ - tức ông Vũ Bân - nạp một người thiếp sinh được một gái tên là Nguyên, về sau cùng chồng tuẫn nạn. Nguyên chồng Thị Nguyên làm quan tư đồ thiếu phó, đại tướng của Tây Sơn, không rõ họ tên, lúc đó giữ thành Bình Ðịnh.(3) Ðại tướng của Nguyễn Ánh là quan phò mã Võ Tánh vây đánh rất gấp - Thị Nguyên đích thân thống xuất đạo quân tinh nhuệ giải vây cho chồng, rồi vây lại Võ Tánh. Võ Tánh dùng thuốc súng tự vẫn (...) (Khi nhà Tây Sơn sắp mất) Vợ chồng quan thiếu phó mưu việc đi Ai Lao, tính việc khôi phục. Quân Nguyễn Ánh dò biết, đón đường bắt được, quấn nến vào người (Vũ Thị Nguyên) đốt, tế Võ Tánh (...) Cụ Thai Lĩnh hầu ăn mặc thường dân tới tận nơi, mục kích việc xảy ra, về thuật lại. Việc này có chép trong truyện Võ Tánh - sách Hoàng Nguyễn thực lục (...) tr. 21.”


(Trích Vũ Ngọc Phan,
Những năm tháng ấy (hồi ký), nxb. Văn Học, Hà Nội, VN, 1987, tr. 9-10. Nhan đề phần trích do người chọn tạm đặt.)





____________
Chú thích của VNP:
(1) Ngày xưa, xứ Bắc tức xứ Kinh Bắc, gồm Bắc Ninh và Bắc Giang; sau Bắc Ninh và Bắc Giang tách riêng ra thành hai tỉnh, nay hai tỉnh lại hợp lại, lấy tên là Hà Bắc. (Hà Bắc đã lại chia hai thành Bắc Ninh và Bắc Giang! - TT.) Ngày xưa Hải Dương gọi là xứ Ðông, Sơn Tây gọi là xứ Ðoài, Nghệ An gọi là xứ Nghệ. Hãy còn lại những câu ca dao: “Ðồn rằng xứ Bắc cao công, trốn cha, trốn mẹ, trốn chồng mà đi”, “Rủ nhau lên cấy xứ Ðoài, công lênh chẳng được, được vài mụn con”, “Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ”...
(2) Không rõ biên cương phía bắc hay phía nam. Chỉ biết ông Vũ Bân trấn thủ nhiều nơi, có vào phía nam và có lấy một người vợ trong ấy.
(3) Ðại tướng Tây Sơn đây là Trần Quang Diệu, ông có nhiều vợ, bà Nguyên là một trong số thê thiếp của ông.