Chính sử không chép về Ðặng Thị Huệ sau khi Trịnh Cán bị truất ngôi chúa. Dù còn tiếp tục sống, chắc chắn đó là một tồn tại hoàn toàn không xứng với mơ ước của cô gái hái chè năm xưa. Cô gái vào phủ chúa làm tôi tớ, rồi lên bà chúa, rồi xuống không biết đến đâu. Ờ, nhưng mà nên nhớ cái tâm tư của cô hái chè ấy chẳng qua là trí tưởng tượng của Nguyễn Triệu Luật! (Thu Tứ)



Nguyễn Triệu Luật, “Cô gái hái chè”




Sáng hôm ấy, nương chè tấp nập hơn mọi hôm, vì bà chúa ở kinh đô về thăm quê và nhân tiện thăm nương chè trên núi.

Hơn trăm con gái hái chè hôm ấy, theo lệnh ông Quản Ba, quản lý đồn điền của bà chúa, ăn mặc óng chuốt hơn mọi ngày và hái chè dẻo dang hơn mọi ngày.

Các cô gái hái chè, cô nào cô ấy thi nhau mà ăn mặc để khoe màu. Trông mỗi người con gái tựa như cái nụ hoa hàm tiếu đứng dưới gốc chè. Chiếc áo đổi vai, trên bằng lụa nấu nâu, dưới bằng the thâm, khép kín cái ngực, để lấp ló khi ẩn, khi hiện, chiếc yếm nhiễu đại hồng. Phần the thâm dưới áo, lẫn với màu thâm chiếc váy sồi, trông tựa như cái cuống hoa. Phần lụa hung hung nửa trên áo, phản màu với phần dưới, trông như cái đài hoa đỡ lấy những cánh hoa còn lấp ló bên trong. Cái nhị hoa cũng còn đương phong lại bằng một chiếc khăn vuông trùm mỏ quạ, để lộ những khuôn mặt tròn tròn đo đỏ tươi tươi xinh xinh.

Rồi thì, nương chè vang lên những tiếng hát đúm, hát quan họ:

“Ðêm qua mất một cành sòi,
Ðể thuốc em nhạt để sồi kém thâm”.

Ðó là tiếng hát một cô trách vì đâu mà nồi thuốc nhuộm của mình nhạt, nên tấm sồi nàng nhuộm kém thâm.

Ðáp câu ấy, một cô khác thay con trai trả lời:

“Ðêm qua anh bẻ cành sòi,
Anh vin lá thắm tìm tòi nhà em”.

Một cô khác, ý chừng ghen cách ăn mặc của chị em, hát chua ngoa:

“Chị giầu chị mặc xống xanh,
Chúng em khốn khó quấn quanh lụa đào,
Chị giầu chị tát cá ao,
Chúng em khốn khó đi trao cá mè,
Chị giầu chị lấy ông Nghè,
Chúng em khốn khó trở về lấy vua”.

Một chị khác đáp lại:

“Lấy vua chầu chực trong cung,
Sao bằng mộc mạc mặc lòng sớm khuya”.

Hơn trăm đóa hoa quê, dưới hơn trăm gốc chè, giọng hát đúm lanh lảnh vang khắp ngọn đồi khe núi, khiến người ta quên mất một trang tuyệt sắc giai nhân đương hí húi cắt cỏ dưới chân đồi.

Trang tuyệt sắc giai nhân ấy vì nghèo, không có quần áo mới để hái hầu chè vào ngày Bà Chúa về thăm, nên bị ông Quản bắt đi cắt cỏ cùng dăm bẩy chị em nghèo khác ở dưới sườn đồi chân núi, để dọn lối đi cho nhà chúa sắp qua.

Tiếng hát trên đồi bỗng lặng thinh vì xa xa người ta đã nghe thấy tiếng lính hô người núp mặt, để chỗ cho bà tiệp dư họ Trần của chúa Tĩnh Ðô vương. Xa xa người ta đã thấy bóng tàn quạt đám rước Bà Chúa đi thăm nương chè.

Dưới sườn núi, bọn tổng lý đã mặc áo thụng xanh chực sẵn sau những chiếc hương án trên có đỉnh trầm nghi ngút. Ông Quản ba chạy lên chạy xuống dặn bảo các cô gái hái chè cùng cắt cỏ:

- Lệnh bà sắp tới nơi, đừng đứa nào hát hổng gì nữa nhé. Mà hái cho nhanh nhẹn. Mà đừng có nhìn trộm lệnh bà mà chết đó!

Võng bà tiệp dư họ Trần đã đến chân đồi. Phu võng hạ võng xuống, phu kiệu mang ghế đăng sơn đến. Bà uy nghi bước chân xuống võng rồi lên ghế để cho bọn phu khiêng lên núi thăm các nương chè. Lúc đó tiếng người im phăng phắc, người ta chỉ nghe thấy tiếng rào rào mấy trăm bàn tay đương cùng hái chè.

Khi bà tiệp dư lên nửa sườn đồi, bỗng ở dưới chân có tiếng hát vang lên;

“Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta!”.

Vừa hát, người con gái vừa tươi cười lấy liềm vơ cỏ, cắt cỏ. Bà tiệp dư bắt phu dừng lại, bảo thị nữ gọi người con gái ấy đến gần. Ai nấy đều sợ hãi hộ mà người con gái vẫn điềm nhiên tiến đến chiếc ghế đăng sơn. Bà tiệp dư hỏi:

- Con ở đâu, bao nhiêu tuổi?

- Con ở nhờ chiếc nhà tre sườn núi này. Con làm nghề hái chè hầu lệnh bà.

- Sao con không lên núi hái chè lại ngồi cắt cỏ?

- Ông Quản bảo con hôm nay cắt cỏ. Mọi hôm con vẫn hái chè.

Bà tiệp dư cúi nhìn kỹ, nhận ra một người con gái tuyệt kỳ đẹp đẽ sắc sảo, dẫu rằng ăn mặc quá xuềnh xoàng.

Mặt nàng tròn trái soan, đôi mắt hơi xếch điểm bộ lòng đen đen ngời. Cái vẻ sáng như gương, sắc như dao của khóe mắt được cái sắc đen thẫm của lòng đen làm dịu lại. Thật là sáng như tia chớp mà êm đềm như nước hồ thu. Nàng cúi gầm mặt xuống, thì như đem cả làn thu ba chìm tận đáy lòng mà khi nàng ngước mắt nhìn lên thì như đem hết tinh hoa bật nên một tia sáng làm chóa mắt người xem. Ngắm một lúc bà tiệp dư truyền cho phu tiến lên nương chè trên núi mà cho nàng lùi ra.

Chiếc kiệu đăng sơn vừa đi khỏi, nàng lại ra lấy liềm vơ cỏ cắt, rồi lại cất tiếng hát tiếp:

“Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta!
Quên mình giữa đám cỏ hoa,
Buồn tênh những lúc trăng tà sao thưa!”

Hôm ấy, ông Ðồ Ðặng đợi con gái mãi đến chiều tối. Ông ra vào băn khoăn!

- Quái! con bé đi sang bên phủ làm chi mà lâu thế. Hay là bà tiệp dư lại giữ lại, rồi mang thẳng về Kẻ Chợ? Dễ thường mình phải sang đòi nó về mới được. Mình tuy cùng, nhưng không khi nào lại chịu cho con vào vương phủ làm con đòi con ở.

Ông đã chít khăn mặc áo vừa toan ra đi thì con gái ông, cô Ðặng Thị Huệ, cũng vừa về. Ông vội hỏi:

- Mụ ta gọi con sang làm gì đó? ý chừng lại muốn mang con về Kẻ Chợ làm thị nữ trong vương phủ hẳn thôi?

Ung dung, nàng đáp:

- Thày hãy khoan thai rồi con xin nói. Việc này con nghĩ còn có chỗ phân vân. Ðêm nay thày nên tịnh tâm mà bàn cùng con cho kỹ.

- Thì việc gì?

- Ðúng như lời thày dự đoán. Bà tiệp dư muốn đem con về Kẻ Chợ làm thị nữ trong phủ chúa.

- Cái đó thì thày nhất định không bằng lòng. Dẫu rằng nhà ta nghèo túng, nhưng đem thân con làm đứa nô tỳ thì không nên. Thà rằng chết đói ở sườn đồi này còn hơn làm đứa con đòi mà sống. Con nghĩ lại mà xem: con nhờ trời nhan sắc cũng có, lại thiên tư sáng suốt, gọi là cũng có dự phần bút nghiên, sao lại có thể hạ mình làm những việc hạ tiện ấy được? Làm thị nữ trong vương phủ thì chẳng phải làm gì khó nhọc cả, nhưng... con có thể dìm tấm thân vào hàng tôi tớ được không? Ðiều ấy thày nhất định không nghe. Chẳng phải bàn tán gì cả. Ðể mai, thày sang tận nơi nói cùng ông Quản hoặc với ngay bà tiệp dư.

- Con đã nhận lời rồi. Con cũng biết thày chẳng bằng lòng. Nhưng con đã có định kiến.

Ông đồ chua chát:

- Ðịnh kiến làm con đòi! Thật toi cả công tao dạy bảo. Mày làm tủi nhục đến cả vong linh mẹ mày.

Rồi ông vùng vằng trở ra đi:

- Cái đó xin tùy cô, tôi không dám dự. Cô muốn nhởn nhơ áo lụa quần là thì mặc cô. Vâng! mời cô theo bà chúa sang Kẻ Chợ ngay, tôi không giữ, không cấm.

Nói xong, ông vùng vằng ra đi. Huệ chạy theo, van lơn:

- Thày đừng giận con. Con hãy tạm náu mình cho qua lúc khó khăn này, rồi một mai con lại về quê nhà.

Ông vùng vằng đòi ra đi cho hả cơn giận thế thôi. Ra cửa, ông cũng không biết đi đâu, đi đến nhà ai nữa. Tần ngần một lúc, ông lại trở vào, cởi khăn áo rồi nằm vật trên giường thở dài.

Ðêm hôm ấy, hai cha con đều trằn trọc không ngủ được. Ông đồ vì tủi nhục, Huệ vì cái định kiến và cái hi vọng của nàng. Nàng nghĩ: Thì cơ, muốn có thì phải đổi chỗ ở, bước sang một nhịp cầu khác. May ra... Ta cũng chẳng cầu gì làm một đứa thị nữ, ta chỉ cầu lọt vào hoàng cung vương phủ để chờ xem có dịp gì không. Không vào rừng, sao bắt được cọp, mà đã vào rừng thì vào đường hoàng hay vào chui rút cũng thế mà thôi.

Sáng hôm sau, trời chưa bình minh, ông Quản Ba đã sang giục nàng sang bên phủ để theo bà tiệp dư về kinh. Ông Ðồ lặng lẽ không nói năng gì cả. Ông biết rằng can con cũng không được nào.

Trước khi bước chân ra đi, nàng nói với cha:

- Xin cha hãy đừng giận con quá. Việc đời không biết đâu là chừng cả. Biết đâu phúc mà tìm, biết đâu họa mà tránh. Tái ông thất mã, an tri phi phúc?(1)


(Trích “Bà Chúa Chè”. Nhan đề tạm đặt.)

















_______________
(1) Xưa có ông lão ở ngoài cửa quan mất con ngựa. Người ta đến thăm, ông nói “Biết đâu chẳng là phúc cho tôi”. Vài tháng sau, con ngựa ấy dắt được một con ngựa tốt khác về... Người ta đến mừng, ông nói: “Biết đâu chẳng là họa cho tôi”. Sau người con cỡi ngựa ngã què chân. Người ta đến thăm, ông nói: “Biết đâu chẳng là phúc”. Một năm sau, giặc Hồ đến, người ta phải ra trận, mười người chết chín. Con ông vì què chân nên tránh khỏi phải đi lính, khỏi chết.