Đi chợ Tết, cái vui bắt đầu từ lúc chưa đi, cứ nghĩ đến là náo nức. Sau khi “bà cháu lên đường”, bước đến đâu lòng hớn hở khiến mắt thấy tai nghe khác ngày thường đến đó… Cảnh đẹp lắm vẫn là đông tàn, nhưng hôm nay trông cứ như xuân. Eng éc, ăng ẳng, quang quác vẫn thế, nhưng hôm nay như xúm nhau kêu Tết. Đến nơi, Tết còn mươi hôm nữa, nhưng Tết đây rồi!... Những con bột “hiện trên tay bác như trò ảo thuật”, những “nắm tiền xu” từ ruột tượng bà chui ra trông cũng ảo lắm tuy thực ra chỉ mới chui vào khi bà bán được hàng vất vả gánh theo… Chợ Tết quê, đã đi bao giờ. Thế mà cứ ai “vẽ” cái “tranh” ấy, “xem” lại thấy xôn xao!

Anh đá em ngẫu nhiên ác quá, nhưng mà em rồi cũng lớn lên bình thường, lấy chồng có con được mà, chuyện đau ngực bây giờ chắc không phải do cái đá dại dột ngày xưa đâu… Cùng lớn già cả, mà em quý anh thế, anh xót xa em thế, tình cảm gia đình trong xã hội ta một thời khắng khít sao.
(Thu Tứ)



“Ði chợ Tết”

Nguyễn Sĩ Bá




Mỗi năm, vào ngày hai mươi tháng chạp, huyện tôi lại có một phiên chợ gọi là “chợ trâu”. Có lẽ ngày xửa ngày xưa, phiên chợ đó chỉ chuyên bán trâu nên mới có tên như vậy. Ðến thời tôi thì “chợ trâu” là phiên chợ Tết. Từ tuổi lên bảy lên tám, tôi đã biết loáng thoáng về phiên chợ này. Chả là năm nào bà tôi cũng đi “chợ trâu”.

Từ đầu tháng chạp, bà đã chuẩn bị nào hương trầm, thuốc lào, nào cau khô, vỏ chay... Trước phiên vài ngày, bà sắp xếp các thứ vào hai cái thúng. Chiều mười chín, bà ra vườn hái cam, chanh, ớt, trầu xanh cho vào hai cái rổ. Sáng hôm sau bà tôi dậy sớm, chồng hai rổ lên hai thúng hàng. Xong xuôi, bà ăn vài củ khoai, uống bát nước chè xanh rồi gánh đi. Biết là xế chiều bà mới về, nhưng từ quá trưa, tôi và đứa em gái đã ra đầu xóm. Anh em tôi dán mắt vào con đường cái nhựa cách một quãng đồng. Những cơn gió lạnh lẫn với mưa bụi làm cho bóng người và xe cộ mờ ảo như một bức tranh thủy mặc. Chờ mãi rồi cũng thấy bóng bà hiện lên chỗ đầu làng. Bà đặt gánh xuống, chia cho anh em tôi gói kẹo bột. Ðã lâu lắm rồi, nhưng tôi không quên được những thanh kẹo bột ấy. Chúng to cỡ ngón tay người lớn, màu vàng, phủ lớt phớt bên ngoài lớp bột trắng mịn. Kẹo ngọt lờ, rắn câng. Tôi mút mãi mới hết một thanh. Vị ngọt, mùi thơm theo tôi suốt cả đời người.

Về đến nhà, bà dỡ mọi thứ trong thúng ra. Tôi hoa cả mắt. Các thứ: nếp, đậu, thịt... hứa hẹn chiếc bánh chưng dẻo thơm. Ðặc biệt trong thúng còn có chồng bánh đa vừng, dây bánh nếp và vài thứ đồ chơi trẻ con: ông người nhảy, con gà gáy... “Ông người nhảy” là món đồ chơi thú vị. Một thanh tre uốn cong hình chữ U, hai đầu chăng ngang một sợi tơ. Quãng giữa sợi dây là thằng người gỗ dèn dẹt, bé xíu. Hai tay “ông” xuôn qua lỗ vào sợi dây. Chỉ cần bóp nhẹ rồi buông ra: người gỗ liên tục nhào lộn trên dây như vận động viên trên xà đơn. Con gà cũng thế. Nó bằng đất sét tô màu phẩm. Mào đỏ chót. Chân vàng nghệ. Cánh nâu, pha đỏ, trắng. Dưới đuôi gà thò ra một sợi dây gai. Cầm dây kéo nhẹ là gà cất tiếng gáy như chú gà phải cảm: “Ò... ó... o...”. Thật tuyệt trần.

Chuyện chợ búa ngày Tết, bà tôi kể trong bữa cơm tối. Chao ôi, thật là một thiên đường. Tôi nghe mà hồn bay bổng, ước sao mình được một lần đi chợ trâu cùng bà!

*

Mãi đến năm lên mười, tôi mới được thỏa niềm ước mơ cháy bỏng đó. Tôi còn nhớ trước đó hàng tuần, nằm trong lòng bà, tôi năn nỉ: “Hôm nào bà cho con đi với!”.

Bà ôm chặt tôi vào lòng, thủ thỉ:

- Xa lắm, con đi sao nổi!

- Ứ, bà chẳng thương con.

Tôi lăn một vòng ra tận mép giường. Trời rét ngọt. Bà vội kéo tôi vào, bảo:

- Ừ thì bà cho con đi!

Tôi sướng quá, ôm chặt lấy bà dụi đầu vào ngực. Mùi mồ hôi chua chua. Mùi trầu cay cay... Cái hương nồng ấm ấy đến bây giờ như vẫn thoảng đâu đây. Ðêm đó hình như tôi trằn trọc mãi mới ngủ. Trong mơ, tôi chỉ thấy toàn bánh kẹo, thằng người nhảy, con gà gáy...

Sáng sau tôi vênh váo nói với em gái:

- Tao sắp đi chợ trâu với bà.

Nó trố mắt ngạc nhiên một lúc rồi nói gọn lỏn:

- Em cũng đi!

- Xa lắm, bà chẳng cho đi đâu.

Thế là nó khóc òa.

Nghe chuyện, mẹ tôi bảo:

- Không được, rồi ai cõng về?

- Bà cõng - Bà tôi quả quyết.

Mẹ tôi nín lặng.

*

Ði chợ phiên năm ấy, tôi mò dậy từ mờ đất. Ăn khoai xong, bà cháu lên đường. Bà dắt tôi đi tắt cánh đồng rồi men theo chân đồi. Cảnh đông tàn đẹp lắm. Những bông hoa mua tim tím, những con bướm vàng bay lượn rập rờn trong sớm hây hẩy nồm. Mặt trời lên quá đỉnh đồi độ một gang tay thì hai bà cháu ra tới đường cái lớn. Bà rủ rỉ:

- Cố lên cháu, chỉ một quãng nữa là tới.

Tôi không cảm thấy mỏi chân nên cứ hăm hở đi bên quang thúng của bà. Trên đường, người tới chợ nườm nượp. Chuyện trò râm ran. Lợn kêu eng éc, chó sủa ăng ẳng, gà quang quác... thật vui. Tôi nhìn thấy trước mặt, sát ria đường, trong quầng nắng nhạt và mưa thưa trăng trắng, một khu rộng cơ man người chen chúc. Bà bảo: “Chợ đấy, cháu ạ.”

Lòng tôi nao nức, chỉ muốn chạy ù tới.

*

Cái thiên đường mờ ảo qua trí tưởng tượng của tôi hiện ra sinh động làm tôi ngơ ngẩn cả người. Hai bên đường vào chợ không biết cơ man nào là hàng. Những mẹt bánh đúc màu vàng ngà, những nồi riêu cua nổi sao óng ánh và thơm điếc mũi, những bó mía cao quá đầu, những bắp ngô nướng trên bếp than có những đốm đen trên mặt vàng thẫm dần tỏa ra mùi thơm ngọt ngào... Tôi nuốt nước miếng. Chao! Biết bao của ngon vật lạ. Rồi đến hàng rau và hoa quả: cam, chanh, bưởi, rau diếp, cải bắp, cà chua, su hào xếp cao ngồn ngộn. Màu xanh lá phủ bạc, màu đỏ chói mọng căng, màu vàng tươi hớn hở... hòa hợp êm dịu. Bà bảo tôi dừng lại. Nhắc hai rổ cam và chanh lên, bà tôi mang đến chỗ một bà bán hoa quả. Chuyện trò vài câu rồi bà tôi lại quẩy gánh. Tôi níu vạt áo bà đi theo. Qua mấy dãy, tới khu bán trầu cau, thuốc lào, bà hạ quang gánh nhủ:

- Ngồi ghỉ tí, chờ bà bán hàng một lát.

Quá trưa một chút, bà tôi bán hết hàng. Dẫn tôi vào khu trong, bà tôi dừng lại trước những thúng gạo nếp no tròn đầy có ngọn, những thúng đậu xanh nguyên hạt vàng sẫm. Bà mua mỗi thứ một ít. Qua dãy hàng tạp hóa, bà cháu tôi đến chỗ bán đồ chơi. Một thế giới thần tiên rực rỡ! Ngoài mấy thứ quen thuộc còn vô khối thứ lôi cuốn. Những cái trống bỏi bằng cái đĩa con. Mỗi khi người bán lắc lắc, nó lại reo lên “tong tong” rộn rã. Từ một mẹt bột nhuộm phẩm sặc sỡ, bác bán hàng vê những dúm nhỏ, chắp nối, dán, lăn thoăn thoắt. Như trò ảo thuật, con chim mỏ vàng cánh xanh, mâm ngũ quả đầy ắp ngon làng, ông Vân Trường vuốt râu hay bầy gà con lít nhít quanh mẹ... đã hiện trên tay bác. Bà lần ruột tượng rút ra một nắm tiền xu mua hai con gà, hai thằng người nhảy - những thứ quà năm cũ - nay thêm con vàng anh hồn cô Tấm và chú ngỗng bột trắng phau. Qua hàng bánh đa, kẹo bột, bà lại lần ruột tượng. Cứ thế hai bà cháu len lỏi giữa những người bán mua tấp nập và thân ái. Chẳng mấy chốc đôi thúng lưng lửng hàng. Lúc ấy bà mới đặt gánh trước hàng bánh đúc, với lấy một mẹt nhỏ cho hai bà cháu. Tôi chả đói mấy nhưng khi bẻ miếng bánh, quệt thêm tí mắm tôm tự dưng bụng cồn cào, sung sướng không để đâu cho hết. Chưa bao giờ tôi được một bữa thỏa thuê ngon lành đến vậy.

Xế trưa bà quảy gánh lên vai, rỉ tai tôi:

- Ta về kẻo muộn.

Tôi nhót theo, tay khư khư bọc đồ chơi, lòng rộn ràng, kiêu hãnh vì mình là người giàu có, sung sướng nhất đời.

*

Về đến đầu làng thì mặt trời đã sắp ngụp xuống mỏm núi xa. Em gái tôi lao đến. Bà hạ quang gánh, cho nó gói kẹo bột. Tôi chìa cho nó ngó bọc đồ chơi. Em tôi vồ lấy. Có lẽ quá xúc động, nó quýnh quáng ngã sấp. Gà gãy cổ, chim lìa cánh, ngỗng què chân... cả gia tài đồ sộ của tôi và các em phút chốc tiêu tan. Cáu quá, tôi đá nó một cái thật mạnh. Nó co người lại, ôm bụng, khóc rống lên. Bà tôi vội ôm chầm lấy nó, xoa bụng, xoa ngực. Rồi bà ngồi bệt xuống vệ cỏ, vén vạt áo lau nước mắt cho nó. Tôi lỉnh về trước, bụng đầy ấm ức.

*

Hơn ba mươi năm sau.

Bà tôi đã mất từ lâu. Tôi đã có gia đình. Em gái tôi cũng đã có một cháu. Thỉnh thoảng nỗi phiền muộn lại hành hạ tôi. Ðó là những lần cô em gái bé bỏng, gầy guộc ngày nào đến thăm anh. Gần đây, cô ấy kêu đau ngực, và ê ẩm mình mẩy mỗi khi trở trời.

Lấy từ giỏ xách - lúc thì dăm quả trứng gà, khi lạng thịt nạc - cô nói với nhà tôi:

- Dạo này trông anh gầy ốm quá. Em gửi chị tí bồi dưỡng cho anh.

Tôi dứt khoát không nhận. Tôi là thầy giáo, nghèo thật, nhưng em tôi là nhân viên một cơ quan văn hóa thì hơn gì. Giáo dục, văn chương, chữ nghĩa lúc này rẻ quá, ai coi làm trọng? Hiểu tính anh, lần nào cô cũng viện lý do. Nào là em mới đi phục vụ chiếu phim, nào là vừa tham gia giám khảo kỳ thi truyện ngắn của tỉnh... được khoản bồi dưỡng kha khá... Tôi biết tỏng em gái tôi chỉ bịa. Nhưng từ chối riết thì lại phụ lòng nó. Nó bóp mồm bóp miệng cho anh...

Tự nhiên hình ảnh bà tôi ngồi ôm nó bên vệ đường chiều hôm đó lại hiện về rõ mồn một. Tôi vội bước vào buồng. Tôi không muốn em tôi thấy vẻ mặt rầu rĩ, xót xa của mình.


4 - 1992

(Tạp chí
Văn, 8-1992)