Thế là Nguyễn cùng anh em diễn viên phim “Cánh đồng ma” phải ở lại Cảng Thơm đến sau Tết. Ăn cái Tết Tàu cho biết cũng hay, sao lại “phải”? Bởi, do một số lẽ, “đối với mũi họ, cái cảng lớn này đã hả hết mùi thơm”. Bị cầm chân ở một nơi không thơm vào cái dịp hương quê nó cứ lên ngát cả hồn, nên “tôi, chiều nay, hằn học với số phận, dám cáu kỉnh cả với cuộc đời phiêu lưu mà xưa nay tôi vẫn ca ngợi”. Lang thang trên hè phố Hồng Kông trong buổi chiều chót của năm sắp cũ, Nguyễn trông người Tàu đốt pháo mà nhớ Hà Nội quá. “Giữa cái tưng bừng (...) tôi (...) như một kẻ bị đi đày”. Và y như kẻ đi đày điển hình, túi “tôi” rất cạn, khiến “tôi” đành ôm hận không “làm nổi một việc xa xỉ” chẳng mấy xa xỉ là mua một cành đào về cắm cho đỡ nhớ quê. Chiều rồi đến đêm. “Ðêm (...) Người ta đi trẩy chợ tết (...) Mọi người đều vui vẻ”. “Tôi” cũng trẩy, rồi lách ra, rồi lại nhẩy vào trẩy tiếp cho tạm quên đi “những sự thiếu thốn của lòng mình”... (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Ăn tết Hương Cảng”




Trước bốn giờ chiều - giờ nhất định của chiếc Canton chạy về xứ sở - anh em đi đi đóng phim ảnh vẫn không ngờ phải ăn Tết ở bên này. Hết thảy đều ngỏ ý muốn đáp chuyến tàu này để vĩnh biệt Hương Cảng. Bởi vì họ tin rằng đối với mũi họ, cái cảng lớn này đã hả hết mùi thơm. Thôi thì khăn gói gió lại đưa một lần nữa, nhất nhẽ là ăn tết trên cái mênh mông của bể rộng, trong cái tiêu điều của chân trời vô hạn. Cứ tính theo hành trình của con tầu thì mồng hai Tết, tầu đã về tới Hải Phòng kia mà.

Sớm ngày ấy, cái phong vị tết nơi quê nhà, làm gì đã nhạt mà ngại!

Nhưng mà trời ơi! Người giang hồ nghĩ một đường, cảnh giang hồ lại dẫn tới một đường khác. Ðể cho trong phút không bằng lòng này, người ta phải nản cho thân thế... với bao nhiêu u hoài. Chao ôi! Cái đời một tài tử chiếu bóng Việt Nam bị bắt ở đất lạ, thật trong giờ này, nghĩ ra không bằng cái đời đào kép một phường hát gõ ở vùng quê bên xứ sở. Có bao giờ một kẻ hát tuồng, hát chèo phải bôi râu kẻ mặt, ở một đình đám làng nào, trong một ngày năm tận? Ngày ba mươi và mồng một Tết không có dân nào gọi phường hát. Có sớm lắm cũng là mồng hai. Thế mà ở đây, người ta đã hứng lấy biết bao cái chẳng ngờ.

Khi mà người ta đã làm được việc so sánh vừa rồi, người ta không thể không buồn rầu được.

Mặc dầu Trung Hoa vướng phải nạn binh lửa, mặc dầu người Tầu đã bỏ âm lịch, cái Tết Nguyên Ðán ở đây vẫn bệ vệ như thường.

Chiều hôm nay, tôi đã thấy người Tầu nổ pháo dữ dội. Từ một từng gác thứ ba, thứ tư xuống sát mặt đường nhựa, họ đã thả những tràng pháo dài hàng vạn quả pháo toàn hồng. Những sính sáng Tầu, trịnh trọng trong bộ quốc phục: mũ sường chí có bông hỏa diệm sơn đỏ ngòn, áo mã quải bằng nhiễu mầu, quần không đũng gấu ống buộc chẽn, áo chùng hàng Thượng Hải mỏng, giầy tầu mũi con lân; những cống chẩy mặc Âu phục theo kiểu Anh; già và trẻ ấy đang phồng má thổi cái tàn lửa ở đầu cây chỉ thìu và khoan khoái châm vào đầu tràng pháo cối để chấm dấu cho hết cái năm đi.

Pháo nổ vang cả một góc trời Tàu. Xác pháo bay xuống như một trận mưa khô. Nghe tiếng nổ nhìn vỏ pháo tuôn rơi tôi nghĩ đến sự tàn tạ của rừng hoa đào khi một luồng gió chiến tranh thổi qua đây. Tưởng tượng dồi dào, tôi lại nghĩ đến những thân phận bồ liễu giữa thời loạn ly.

Tiếp đến trận mưa vỏ pháo tan, là trận mưa vỏ hạt dưa. Trong đám khói diêm sinh, đứng tựa bao lơn lốm đốm vệt thuốc pháo cháy sém, có người Tàu nào không chịu bỏ một nắm hạt dưa đỏ vào mồm. Ðể rồi, cúi mình nhìn xuống mặt đường, nhổ một đống vỏ xuống cái lận đận, eo sèo của dòng sinh hoạt đang xô theo một chiều năm hết.

“Tiếng pháo nghe nhờ thiên hạ đốt” chiều hôm nay, tôi tưởng như đang đứng ở phố Hàng Bồ, Hà Nội, cách đây hơn hai chục năm, để nghe tiếng pháo hiệu Khách đóng cửa đốt pháo ăn Tết, để dứt tiếng pháo là lăn xả vào mà nhặt những quả pháo tắt ngòi không nổ. Tôi nhớ lại một cách rõ rệt hồi Khách hàng bang thi nhau đốt pháo để khoe nhau sự thịnh vượng buôn bán của mình trong một năm. Xác pháo họ đốt rơi xuống mặt hè dầy có đến mười lăm phân tây. Xác pháo ngập mắt cá chân khách bộ hành là thường.

Tôi đi qua phố Hương Cảng, như một thằng người máy, như một tên lính mệt mỏi ở mặt trận về; mắt mờ, hồn mê và chân vẫn bước. Trên vai tôi, tôi càng nhận thấy sức nặng của Ðịnh Mệnh mỗi phút mỗi nhiều thêm.

Ngày mai đây, thêm một tuổi đầu nữa, trên đầu tôi, trọng lực này còn tăng lên độ đến bao nhiêu?

Cũng như kẻ kia bực mình đã vứt xuống dòng nước dưới chân một vật quý để cho hả cơn điên cuồng nho nhỏ; tôi, chiều nay, hằn học với số phận, dám cáu kỉnh cả với cuộc đời phiêu lưu mà xưa nay tôi vẫn ca ngợi, chiều nay tôi cũng muốn vứt đi một cái gì. Nhưng góp mặt tài tình, gọi là vật quý đem theo sang đến cái bến nước này, tôi chẳng có một vật gì cả, ngoài cái thân tôi ra.

Hơi thở dài của tôi đã làm hoen mờ mảnh kính của hàng nọ và làm một ông già Tàu râu bạc phơ phơ phải ngửng đầu nhìn ra. Người tuổi tác ấy, dừng ngón tay lách cách trên bàn toán, ngừng tính số tất niên. Chúng tôi ngắm nhau, trong một giây, qua làn khói thuốc bào.

Rồi tôi rảo bước. Giữa cái tưng bừng của một thị trấn lớn, tôi lang thang, cô độc như một kẻ bị đi đày. Bước chân vô định đã dẫn tôi tới con đường dốc rẽ lên ga dinh sơn hỏa xa. Ở đây một người cũ kỹ bán hàng hoa đã bày những cành đào không có lá, chỉ có hoa nụ và cành gốc sù sì. Gọi là bán gốc đào thì mới đúng. Hình như người bán hoa kia có một vườn đào, cứ cuối năm đem chặt dần để bán cho người chơi tết. Mỗi khi y ra vườn, tỉa cây, làm một lễ “cửu phát” hay là “tam trảm” là y có bao nhiêu gốc đào đem ra bày ở thị trường này.

Ðứng ngắm gốc đào tươi tua tủa những hoa nhạt và nụ thắm, lửa tâm tôi dịu dần. Tôi thấy trong lúc ngắm hoa không mất tiền này, tôi có thể yên vui với hiện tại được. Tôi muốn bắt chước những khách phong lưu kia, cũng xỉa tiền ra lấy một gốc yêu đào, gọi là ghi lấy phút sung sướng trong tuế mộ ở ngoài quê hương. Nhưng yêu đào trị giá mắc quá. Thời giá hoa đào ở ngân thị Hương Cảng trong mấy ngày gần đây, đã bỏ xa thời giá hoa biết nói trong hàng viện và mọi phòng trà, khiêu vũ quán. Từ sau việc Thượng Hải thất thủ, những hoa biết nói phải dời xuống vùng Hoa Nam không biết bao nhiêu mà kể. Và riêng ở Hương Cảng lầu xanh và lầu đỏ mọc lên như nấm, để nhận lấy hàng lũ giai nhân đến bán mình trong thời loạn, rẻ tựa cánh bèo Nhật Bản bập bềnh trên mặt nước hồ ao bên xứ mình.

Cái hận lớn của một thằng phiêu đãng như tôi, trong một ngày cuối năm như hôm nay, là không đủ tư cách để làm nổi một việc xa xỉ. Việc xa xỉ này, trong phút trống rỗng này, có thể di dưỡng được tâm thuật. Tôi muốn tranh với đám quần hồng có ngựa, có xe, có kiệu song loan kia, để giành cướp một gốc đào song thọ.

Tôi muốn rước gốc cây kia về nhà trọ để rồi đêm nay, đốt một ngọn nến li ti, chung bóng cùng cành hoa lả tả và lúc bắt đầu sang một năm khác, sẽ cười với gió đông đi.

Nhưng, từ dốc núi trở về với cái bằng phẳng của một mặt đường phố xóm dưới núi, hai tay tôi vẫn chẳng cầm một vật gì. Lúc tôi đăng sơn như thế nào, thì lúc tôi hạ sơn vẫn thế.

Không biết làm gì với hai bàn tay trống trải, tôi đành dùng nó để nắm chắc lòng can đảm của tôi vậy. Can đảm sống nốt những ngày buồn tủi.

Thế rồi tôi trở về nhà, lẩn thẩn như một thằng say rượu, lòng còn say sưa với hết thảy những cái gì không thực ở đời. Say sưa với tất cả những sự thiếu thốn của lòng mình.

Ðêm Hương Cảng đỏ rực hẳn lên.

Phiên chợ đêm tết Hương Cảng đem những tiếng ồn ào của nó đến cả cặp tai lơ đễnh của khách ngụ cư chỉ đi qua cuộc sống trên hòn đảo, trong có một thì. Rồi cái nhộn nhịp trong chợ tết hút luôn cả những linh hồn tạm bợ đó vào cái huyên náo của nó.

Chợ tết đêm nay thực là cuộc chợ phiên vĩ đại, họp ngay đường cái. Hôm nọ đây, con đường Cáo Ðạo rộng thênh thang này, còn là một đại lộ xe tầu chạy như mắc cửi. Như cảnh bài trí trong một chuyện thần tiên hay một chuyện Liêu Trai, trên mạch máu cái này của thành phố, bây giờ những gian hàng nhan nhản mọc đầy rẫy, như có một bàn tay hồ quỷ xây dựng lên bằng tà thuật. Người ta đi trẩy chợ tết, cọ xát vào nhau, ép sát vào nhau không để hở một kẽ nào. Người đi lên, kẻ đi xuống đã chia cái rồn rập này ra làm hai dòng: một dòng ngược và một dòng xuôi. Xuôi ngược đôi dòng, lớp người đi trong đêm sáng, cứ xô bồ cuồn cuộn, không khác dòng thác nước lũ mùa thu lôi cuốn những thân cây tươi và đám lá úa trong cái hỗn độn của thảo mộc lìa ngàn.

Cùi tay tôi làm việc nhiều. Tôi đẩy người đi trước chưa kịp dọn lối tiến thì người đi sau tôi đã đẩy mạnh tôi.

Tôi tức giận. Quay lại, tôi nhìn thấy một thiếu phụ Trung Hoa mặt đỏ bừng, tay nâng cao một củ thủy tiên. Nàng đang ngây ngất vì cái huyên náo của dòng thác người chơi hội trừ tịch. Tôi chỉ kịp nhìn nàng hé một nụ cười. Nàng lấy tay ủn tôi; tôi vô tình đã dẵm cả vào mũi giầy nàng.

Nàng đẩy tôi, tôi lại đẩy những người phía trước. Và cứ thế chúng tôi trôi trên con đường, trôi trong lòng con sông đào. Hai bờ hoa đào! Thỉnh thoảng, liếc sang dòng người đi ngược bên phía tay phải, tôi đón nhận được bao nhiêu nụ cười của những giai nhân không quen biết. Những đóa hoa hàm tiếu kia chỉ hiện ra trong khoảnh khắc, nhanh như một tia chớp sáng. Những hình ảnh ấm áp, tươi tỉnh ấy, hiện ra cho tôi đủ thì giờ để thèm tiếc, rồi lại lu mờ ngay, rồi lại lẩn ngay vào cái vô danh của đêm hội. Tôi có cảm tưởng đang đi một chuyến tàu tốc hành gặp một chuyến tàu tốc hành khác lướt ngược qua, trên đó có một người đẹp. Kẻ lữ hành xinh đẹp kia, chỉ lướt qua mắt tôi, chỉ đủ giây lát giơ cánh tay đeo vòng ngọc vẫy một chiếc mùi-xoa màu nhạt... với một nụ cười chân thật đãi người tình chủng qua đường. Rồi mất. Rồi hết.

Ấy trong cuộc sống người ta thường đi qua cuộc đời nhau và trong cái nhanh chóng của tình cờ gặp gỡ, người ta đã sẵn có nhiều thiện cảm đối với nhau. Ðể rồi sau này, không có lúc nào gặp nhau lần nữa. Ðể rồi chỉ nhớ tiếc nhau trong hình ảnh lờ mờ, để rồi chỉ chờ đợi nhau trong một buổi tái ngộ không bao giờ đến. Giống đa tình, hay vướng phải thứ tình cảm không có hậu.

Tôi đi trong một giấc mơ.

Một chút nữa thì tôi vấp ngã. Và nếu ngã, nhất định tôi sẽ bị đè bẹp, tôi sẽ chết như người lính nọ chết trong đám loạn quân. Cả một phiên chợ tết sẽ dẵm xéo lên người tôi, nếu tôi lỡ bước chân quỵ xuống mặt đường Cáo Ðạo, đêm trừ tịch này.

Trong phiên chợ tết họp cho đến sáng sớm, thôi thì đủ mặt hàng, thượng từ vàng, hạ đến cám. Nhưng những hàng được bày nhiều nhất trong mọi gian, phần nhiều lại là những thức xa xỉ. Chỗ nào cũng hoa, hoa, quả, pháo và tranh... và đồ tơ lụa.

Ở Hương Cảng, người ta có cái tục dẫn nhân tình hay vị hôn thê đi chơi chợ tết. Người đẹp chỉ ngón tay đến đâu, thì “chàng” phải sắm đến đấy. Nếu “chàng” là người vị hôn phu hay là khách nguyệt hoa biết giữ cái giá phóng phiếm của mình, thì “chàng” không được kỳ quản về món tiền trả cho người đẹp mua vặt trong đêm giao thừa.

Phong tục này đã giúp nhiều cho cái tưng bừng của chợ đêm.

Nhiễm phải cái không khí cầu vui, tôi cũng muốn có lấy một người quen để trong lúc này, mua một vật nhỏ mọn gì tặng ai, và góp một tiếng cười với cái hoan hỉ của mọi người biết sống là vui.

Bỏ dòng người đang chảy mạnh, tôi lách mình ra một nơi rộng rãi. Bây giờ tôi mới thở đều, và đỡ hoa mắt.

Bên phía doi đất Cửu Long đối ngạn với bến Hương Cảng, người ta nổ pháo đã liền tiếng. Âm thanh pháo nổ, vẳng trên mặt eo bể, làm rung rinh mặt vũng tầu sáng như khối hào quang. Lấy phương hướng mãi, tôi mới nhận lại được hòn đảo Gia Lỵ lẻ loi ở phía xa.

Mọi người đều vui vẻ, tôi không muốn buồn nữa. Tôi không muốn thơ thẩn một mình để nghĩ đến chuyện riêng. Tôi đã mua một bánh pháo năm trăm, bóc đốt ngay. Tiếng pháo nổ chưa hết, tôi lại nhẩy luôn vào cái dòng người đang chẩy của đêm hội.

Nhưng lần này, tôi nhẩy sang phía dòng ngược. Ðể rồi đến lúc đi hết con đường chợ tết, tôi rẽ về gian nhà số 6, đường Sử Kiếm Vực mà nhìn những mặt chán chường của một số anh em cùng hội cùng thuyền.

Chỉ còn có vài giờ nữa thì xuân về. Nhưng trong cái trú sở của bọn tài tử Việt Nam sang đóng phim, hình như chẳng có một ai biết có xuân là gì nữa.


(Trích từ chương “Một ngày một đêm cuối năm” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)