“Thuyết Bình Nguyên Lộc”




Thuyết Bình Nguyên Lộc có nguồn gốc ở những kết quả khảo cổ mà G. Coedès tóm tắt hồi đầu thập kỷ 1960.(*) Trong thuyết có cả ý kiến về địa bàn nguyên thủy của chủng Cổ Mã Lai là điều Coedès nói rằng không biết.

Sau đây chúng tôi xin tóm lược thuyết Bình Nguyên Lộc, theo cách hiểu của mình:

Trong nhân loại từng có một chủng lớn gọi là chủng Cổ Mã Lai (CML). Chủng ấy gốc ở vùng Hi Mã Lạp Sơn bên Tây Tạng.

Từ HMLS, cách nay khoảng 6.000 năm, một bộ phận của chủng CML di cư qua Hoa Nam, gọi là người Mã Lai Hoa Nam. Cũng từ HMLS, cách nay khoảng hơn 5.000 năm, một bộ phận khác của chủng CML di cư qua Hoa Bắc, gọi là người Mã Lai Hoa Bắc.

Ở Hoa Bắc chưa lâu thì Mã Lai Hoa Bắc bị chủng Hoa (tức Hoa Hạ) đánh bại, phải bỏ Hoa Bắc mà chạy. Cuộc di tản cách nay khoảng 5.000 năm này là “Ðợt I” và dân di tản là “Mã Lai đợt I” (**). Họ phần vượt Hoàng Hà chạy xuống phía nam, nơi đã có Mã Lai Hoa Nam ở, phần chạy về phía đông, qua Hàn, qua Nhật, rồi một số đi đường biển xuống tận Bắc bộ và Trung bộ.

Bắc bộ không phải là đất trống trước khi Mã Lai đợt I đến, nhưng do “thổ trước” còn tương đối lạc hậu nên chuyện hợp chủng giữa dân bản địa với dân mới đến đã gần như không xảy ra. Thổ trước dần dần biến mất, cư dân Bắc bộ dần dần trở nên chủ yếu là người Mã Lai đợt I.

Cách nay khoảng 2.500 năm, do chủng Hoa bành trướng, một số dân Mã Lai ở Hoa Nam (gồm chủ yếu là Mã Lai Hoa Nam nhưng cũng có cả Mã Lai Hoa Bắc đã vượt Hà) bỏ đất đang ở mà theo đường biển di cư xuống phía nam. Đây là “Ðợt II” và dân di tản là “Mã Lai đợt II” (***). Họ có ghé Bắc bộ, một số ở lại, làm dân số Bắc bộ tăng đột ngột.

Cả Mã Lai đợt I và Mã Lai đợt II đều không lai Hoa bao nhiêu, vì khi di tản chưa chung sống lâu với Hoa. Vì vậy, trước thời Bắc thuộc, cư dân Bắc bộ gần như thuần chủng Mã Lai.

Trong thời Bắc thuộc, không xảy ra chuyện đông đảo dân Tàu di cư xuống đất Cổ Việt. Nên khi Ngô Quyền giành lại được độc lập thì cư dân Bắc bộ vẫn cơ bản là người Mã Lai.

Từ Ngô Quyền đến nay không có dịp nào cho người Tàu pha trộn máu họ vào máu ta cách thật đáng kể.

Thành ra về máu huyết, người Việt Nam hiện đại vẫn còn cơ bản là người Mã Lai.


Ðâu đó Bình Nguyên Lộc có lời khiêm tốn: “Nếu quyển sách nhỏ nầy mà có chừng một trang giúp ích được vào việc nghiên cứu cổ sử Việt Nam của người sau, thì cũng không uổng công chúng tôi đã bỏ ra một chục năm học hỏi”.

Thiết tưởng sách không nhỏ. Cái nhìn chính xác về nguồn gốc dân tộc, bao giờ có, sẽ là do người sau may mắn được đứng trên vai những người trước như Bình Nguyên Lộc.



Thu Tứ
Viết năm 2009














___________
(*) Xem Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, tr. 322-325.
(**) So với thuật ngữ Nam Á (Austro-Asiatic) trong tóm tắt GC.
(***) So với thuật ngữ Nam Ðảo (Austronesian) trong tóm tắt GC.