Trang phục cưới của ta bây giờ! Độc lập là để tự do mất gốc! (Thu Tứ)



Vũ Ngọc Phan, “Trang phục cưới Hà Nội xưa”



Hồi còn nhỏ, tôi đã trông thấy một đám cưới ở phố Hàng Ðào. Ðám cưới đi bộ một dãy dài từ phố này sang phố khác. Ði đầu là một cụ già tóc bạc phơ, chít khăn lượt, mặc áo thụng lam ra ngoài áo đoạn thâm, mặc quần lụa điều, hai tay bưng lư hương khói bay nghi ngút đặt trên một cái khay lót lụa điều. Ðến các bậc tôn trưởng, những ông có chức tước phẩm hàm đều đeo bài ngà, kim khánh trước ngực, đến chú rể và mấy người phù rể. Chú rể mặc áo gấm, còn những người phù rể mặc áo đoạn hoặc xa-tanh đen, họ đều mặc quần vải chúc bâu trắng, chít khăn lượt, có người chít khăn nhiễu tam giang. Chú rể, cô dâu đều đi giầy dừa; chú rể mũi giầy xanh, cô dâu mũi giầy đỏ. Ðến các bà già, rồi cuối cùng đến cô dâu và các người phù dâu. Cô dâu chít khăn vành dây bằng nhiễu lam, đeo hoãn (một thứ hoa tai bằng vàng trông như cái thẻ to bằng đầu ngón tay út, có dây vàng dính vào tai), mặc áo lê lựu màu hồng, mặc quần điều, cầm quạt trổ che mặt. Ði bên cô dâu là các cô phù dâu, chít khăn nhiễu tam giang, khăn nhung đen, mặc các thứ áo lộng lẫy, nhưng không mặc áo màu hồng để cho khác với cô dâu. Các cô phù dâu cầm nón ba tầm che cho cô dâu nên tò mò lắm thì cũng chỉ nhìn thấy cái gáy trắng nõn với những sợi tóc loăn xoăn và cái khăn vành dây là cùng. Bên tà áo cô dâu, người ta đã gài nhiều kim để trừ những lời quở quang. Khi đến nhà trai, cô dâu còn bước qua lò than hồng đặt trong bậc cửa, cũng là nhằm đốt hết những miệng tiếng không hay.


(Trích Vũ Ngọc Phan,
Những năm tháng ấy (hồi ký), nxb. Văn Học, Hà Nội, 1987, tr. 48-49. Nhan đề phần trích tạm đặt.)