Dĩ nhiên không có chim nói tiếng người. Chỉ có “tôi” nghĩ liên miên về Sáu rồi bất giác đặt lời tôi vào mỏ chim. Quái lạ là lời ấy thực ra trước sau không hề rời óc tôi, thế mà Kim Lan rốt cục vẫn nghe được, vẫn đoán ra “con chim” đích thực nào đã gây hiện tượng chim xanh biết nói. Cảm nhận tinh tế diễn cách tân kỳ.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Con chim”




Cái vòng hột huyền của Kim Lan bị đứt dây, đổ tung tóe đầy nhà. Tôi và nàng lom khom lượm hột, kéo từng cái ghế, lôi từng cái xô, cái giày, cái dép trong xó ra truy tầm cho đủ số. Hột tròn đổ xuống là lăn tung tóe như lũ dán chạy trốn cực nhanh. Lúc Kim Lan kiểm điểm đủ số, tôi trút tất cả mớ hột đen ấy vào một chiếc tô lớn, đem ra vườn, trải cái chiếu ny-lông ra bóng mát, làm việc.

Trước hết phải nối lại sợi dây vàng tây đứt khoen. Chuyện đơn giản thôi, nhưng tôi không có thứ dụng cụ nào nên loay hoay mãi. Vả lại tôi đang bực. Tôi với Kim Lan vừa cãi nhau. Có sợi dây đứt tôi có dịp sốt sắng tỏ thiện chí để làm lành, tuy vậy trong bụng vẫn lấy làm bực.

Kim Lan và tôi làm đám cưới vừa tám tháng thì gặp chuyến ghe, kéo nhau ra đi. Ðến Mã-lai, vào trại tị nạn, gặp Sáu. Sáu nhỏ hơn Kim Lan ba tuổi, con nhà bình dân nhưng trắng trẻo, dễ thương. Mới gặp, Sáu với Kim Lan bắt nhau ngay. Kim Lan cũng cởi mở, cũng tự nhiên như Sáu, không kiểu cách gì cả, Kim Lan gọi bạn là “con” Sáu:

- Sáu, mầy tên tuổi gì... sơ sài quá vậy?

Sáu cười ngoan ngoãn:

- Ðể qua Mỹ đặt lại. Chị tìm giùm cái tên cho hay nghen.

- Ờ, để đó tao.

Hồi còn đi học, trước 75, Kim Lan vẫn có khiếu đặt tên. Trong gia đình có chị, em, cô, dì nào mang bầu, Kim Lan cũng xun xoe góp ý chọn tên con. Ở trường, Kim Lan cũng hay bình phẩm, chê khen tên cô này thầy nọ, con này con kia trong lớp.

Ở trại, rảnh rang, Sáu tới lui sinh hoạt với vợ chồng tôi ngày một khắng khít. Ðến một lúc, tự dưng Kim Lan thấy không “hạp” với Sáu, và khuyên rủ tôi nên thưa dần, bớt dần các cuộc gặp gỡ chuyện trò. Chính lúc ấy, tôi lại vừa cảm thấy “hạp” với Sáu. Sáu vui vẻ, vồn vả, thành thực mà lại... xinh. Dù sao tôi thấy nên tôn trọng quan điểm của Kim Lan.

Rồi vợ chồng tôi được bà cô bảo trợ sang Ca-li. Sáu chưa liên lạc được với thân nhân, lúc chia tay bịn rịn, ôm riết Kim Lan, khóc nức nở. Trong giờ phút lâm ly, Kim Lan trở lại “hạp” Sáu, và khóc to hơn, hứa hẹn với nhau sau này thế nào cũng giữ liên lạc mật thiết.

Chúng tôi tới Long Beach ở được sáu bảy tháng gì đó thì Sáu cũng qua Mỹ, cũng ở Ca-li, bên Riverside. Sáu và Kim Lan nói chuyện điện thoại với nhau luôn. Khi lái xe đi Long Beach gặp chúng tôi thì “con” Sáu bảo cho biết nó đã mang tên Jackie rồi. Kim Lan dẫy nẩy:

- Sao không bảo họ ghi cho mầy cái tên Helen, có phải hay hơn không?

- À há, Helen... Chị lựa cho em hồi nào vậy? Sao không nói trước?

Kim Lan sốt sắng:

- Thiệt ra trước tao lựa tên Jennifer. Helen là mới nghĩ ra đây.

Jackie Sáu tiếc hùi hụi. Nó chưa nghe tên nào hay bằng tên Jennifer. Và hôm nay cũng vì Sáu Jackie tới thăm mà Kim Lan nổi quạu với tôi.

*

Tôi cặm cụi làm việc, con chim xanh (blue jay) lẩn quẩn bên cạnh. Nó vẫn thế. Lẽ ra nên gọi là chúng nó, bởi vì thường xuyên kiếm ăn tại vườn tôi là một cặp chim xanh. Con trống con mái mỗi con riêng một nơi, nhưng không cách nhau xa. Chúng di động luôn, hoặc nhảy hoặc bay từng khoảng ngắn, cứ một lúc lại kêu lên “quép”, hay “quép quép”. Có phải để xác định vị trí, để theo dõi nhau?

Chim xanh, nó nhẹ như chiếc lá. Mình đang cúi đầu, vừa ngẩng lên đã thấy nó bên cạnh. “Rù” một cái nhẹ, nó phóng tới đậu vào cành thấp nhất của cây cam. Thoáng cái nó đã khua chiếc lá khô ở ngay sau lưng mình.

Cái đặc biệt là nó rất thân thiện. Tôi có cảm tưởng nó thích, gần như nó “hạp” tôi. Loanh quanh trong vườn một lát, thế nào nó cũng đến cạnh tôi. Nhẹ nhàng, lặng lẽ, nó tới êm ru, lúc nào không hay. Tới vậy thôi, không để làm gì cả, không có gì để ăn để uống cả, một lúc lại bay đi.

Thấy hay hay, tôi mang máy Polaroid ra chụp nó vài chiếc hình thật gần. Một hôm tôi trải chiếu nằm gần gốc chanh, nó còn có ý kiến nhảy phóc đứng cả hai chân trên một quả chanh rụng cho tôi chụp hình. Nhân đó, xem lại hình, tôi thấy nó có một ngón chân bị tật, cụt mất chừng ba ly. Tội nghiệp. Thật ra không phải tôi, mà là Kim Lan đã để ý trước tiên.

Trong cái thân thiện của con chim xanh có chỗ ngớ ngẩn. Có lần tôi đang nằm nó tò mò mổ ngay ngón chân tôi. Không rứt ngón chân ra được, nó lại mổ lần nữa, ngậm sâu đến nỗi ngón chân cảm thấy cả cái nóng và ướt của lưỡi chim. Kim Lan cười ngặt nghẽo, từ đó vẫn chọc quê nó là khờ khạo, lố bịch.

Hôm nay, như thường lệ, tôi làm việc và thỉnh thoảng có con chim xanh bên cạnh. Tôi vừa làm vừa bực mình, nghĩ ngợi. Thì quả là tôi và Sáu Jackie có trao đổi nhiều ý kiến thật, có hào hứng thật; nhưng Kim Lan không công bình chút nào. Nàng nhất mực bảo là con Sáu nó đong đưa. Tôi ôn lại bộ dạng Sáu, nghĩ lui nghĩ tới trong đầu, và lẩm bẩm: “Vậy chứ có đong đưa gì đâu?”.

Chợt tôi nghe bên tai có tiếng: ... “Ðong đưa gì đâu?”.

Tôi ngẩng đầu ngơ ngác. Cạnh tôi chỉ có con chim xanh. Nó nhìn chăm chú vào mắt tôi. Quái!

Lúc sau, tôi cúi xuống xâu hạt, loay hoay. Con chim nhảy tới vài bước, mổ bậy bạ mấy cái, rồi bay vụt đi. Tôi nghi nghi ngờ ngờ; rồi bỏ qua câu chuyện con chim, tôi lại vừa làm vừa nghĩ ngợi về Sáu. Hồi ở Mã-lai, Kim Lan chê bàn tay nó thô, bây giờ nàng bảo nó đã có mòi phát đẫy: “Ðể rồi coi”. Tôi có để ý coi: Từ ngày rời Việt Nam hơn năm nay, Sáu thôi làm việc lao động và tay chân đã nõn nà. Tôi suy nghĩ, tưởng như thấy trước mắt: “Cổ tay con nhỏ tròn không chê!”

Bên tai liền có tiếng: ... “Tròn không chê!”.

Tôi giật bắn người. Kìa! Nó lại đến cạnh tôi từ hồi nào vậy? Con chim xanh, nó đang trông thẳng vào mắt tôi. Nên để ý cái này: là mắt nó nhìn bao giờ cũng thẳng thắn, không chút ẩn ý. Cái nhìn ngay thực. Có trường hợp khiến mình bối rối, nhột nhạt. Nó nhìn như thế một lúc, rồi phóng đi, như cái lá bị cơn gió đột ngột bốc đi.

Tôi gọi Kim Lan ra, bảo vườn ta có con chim biết nói, bảo nàng hãy nằm im, chờ xem. Nàng và tôi chờ không lâu, con chim trở lại, nhảy loanh quanh, mổ bên này bên kia. Một lát, nó bay. Kim Lan hỏi:

- Con có tật ở ngón chân đó hả?

- Chính con đó. Chờ xem. Im!

Nó trở lại. Chính nó. Lát sau lại bay đi. Ðến lần thứ tư thì Kim Lan mất kiên nhẫn, bỏ vào nhà.

*

Cả tháng sau, thỉnh thoảng nàng chịu khó, ra vườn ngồi bên tôi, chờ đợi. Nhưng không lần nào được nghe chim nói. Nàng bướng bỉnh cho rằng chim xanh không phải thứ chim nói được, vả lại cặp chim vẫn lui tới với chúng tôi mấy năm nay là chim hoang, có ai nuôi ai dạy đâu mà nói? Bỗng nàng hỏi: “Mà nó nói thế nào? nói câu gì?”

Trước tình thế bất ngờ, tôi cố gắng xoay xở: “Ơ... quên. Ðể xem... Ðại khái nó nói: Cỏ thật xanh. Ðại khái thế.”

Kim Lan ngó thẳng vào mắt tôi, rồi quay đi, cười khẽ:

- Nói tiếng Việt hả? Ngộ quá... Thì lâu lâu có chuyện vui mới nói, bộ hồi nào nó cũng nói sao?

Nữa! Tôi lại bực mình, nổi dóa:

- Không tin hả? Bảo tôi nói láo đó hả?

Kim Lan bỏ đi. Tôi một mình nghĩ ngợi. Nhớ ra hai lần tôi nhìn con chim để bắt cái câu chim nói, thì tôi gặp nó trông thẳng mắt tôi, chờ đợi, ngạc nhiên hơn tôi. Thế là thế nào?


6 - 1991