“Ðông Sơn đang còn”

Hà Văn Tấn




Một văn hóa Ðông Sơn của một nhà nước độc lập bỗng đau xót trở thành một văn hóa Ðông Sơn dưới ách thống trị của nước ngoài, và cuối cùng, biến mất đi. Thử hỏi có còn gì nữa không?

Cái mất đi là cái dễ trông thấy. Vả lại, mất đi hay là đã tiến hóa? Còn cái còn lại ư, chắc chắn là có. Trước hết, đó là tính cố kết của dân tộc đã hình thành trước khi bị mất nước. Không có sự thống nhất Ðông Sơn, sẽ không có sự hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng nổi dậy chống xâm lược từ 65 thành trì. Và tiếp đó, là cuộc đấu tranh kiên trì để rồi một nghìn năm sau, giành lại nước.

Và sau nữa, là những vòng tiếp tuyến trên đồ gốm Lý Trần, là những cảnh chim và hươu trong múa rối thời Lý, là tiếng trống đồng thời Trần làm bạc tóc sứ Nguyên... Ðó là âm vang Ðông Sơn.

Ðông Sơn còn gặp trong ngày hôm nay, khi "miếng giầu là đầu câu chuyện", khi lễ phồn thực vẫn tiến hành trong các làng quê, khi người ta còn chơi trống đồng và cồng chiêng trong ngày hội...

Và có lẽ khi ta nói tiếng Việt, mặc dầu không còn thứ tiếng Việt thuở khai sinh, chính là lúc ta cảm nhận dòng máu Ðông Sơn đang chảy trong huyết quản.

Vì vậy, không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm.

Ðông Sơn đã mất nhưng Ðông Sơn đang còn.


(Hà Văn Tấn, “Lời cuối sách”,
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)