Hồi đầu thế kỷ 20, ở Á Ðông từng tồn tại một ý thức đoàn kết trên cơ sở màu da. Phan Bội Châu gặp nó ở Nhật, rồi ở Tàu. Những người như “Thiện Vũ tiên sinh”, như “Chu ân nhân” thật quý hóa quá. Dĩ nhiên lịch sử sau đó đã diễn biến hoàn toàn bất chấp ý thức ấy. Cái ngày có một cộng đồng da vàng thực sự đề huề liệu có bao giờ tới?

(Thu Tứ)



Phan Bội Châu, “Chu ân nhân”



Chu ân nhân là người (...) tỉnh Quảng Ðông, thông Hán văn lắm, ở góa từ ngày còn trẻ, thường mở nhà trường tư dạy học trò gái (...) Con trai bà là Chu Thiết Sinh (...) gặp tôi bán sách ở giữa đường, dắt tôi vào chào mẹ (...) Bà thấy mặt tôi, biết tôi là người cách mạng Việt Nam, tỏ ý vui mừng lắm, bảo tôi rằng: “Các anh bây giờ trong lúc cùng đồ thì mượn nhà tôi làm đông đạo chủ, cũng không ngại gì.”

Lúc đó chúng tôi cùng quẫn quá, thuê nhà thiếu tiền, mới kéo nhau đến nhà bà, nhờ làm chỗ quán ở (...) Từ đó (...) người trong đảng (...) không một người nào không ăn ngủ ở nhà bà. Các tiền phí ăn ở, lường có bao nhiêu cung cấp bấy nhiêu, đền trả được bao nhiêu không hỏi đến. Mỗi khi chúng tôi có việc khẩn dùng, trong nhà không có sẵn tiền thì cầm đồ đạc, bán nữ trang liệu lý giùm cho chúng tôi. Bà chẳng những có nghĩa khí thâm trọng, mà can đởm cũng phi thường. Chúng tôi thường chôn tạc đạn hỏa khí ở trong nhà, bà cũng tự nhiên không sợ.

Ông Trần Hữu Lực và ông Ðặng Tử Mẫn một đêm khuya nọ mượn dao chặt củi của bà, giết một tên mật thám (Nguyễn Ðiềm tự Băng Hồ gốc Nghệ An) (...) sáng ngày bà dậy cười mà hỏi (...) “Chúng mày hôm qua có làm thịt được một con heo phải không?”

Con trai bà là anh Chu cũng vì cớ tôi, bị Long Tế Quang tổng đốc Quảng Ðông giam cầm hơn 10 ngày, bà cũng thái nhiên. Bà đối với chúng tôi, in như mẹ đối với con cái trong nhà. Nay tuổi ngoài 80 rồi, cảm tình bà đối với chúng tôi trước sau in như một ngày, thật là hiếm có.

Từng có 3 người (...) trước ở gửi nơi nhà bà đã hơn vài năm, đến sau về thú và phản đảng, lấy tư cách mật thám lại dò việc đảng, vào nhà bà, đem số tiền khá nhiều tặng bà (...) bà (...) đỏ mặt giận nhiếc:

“Tao trước kia tưởng chúng mày là người, bây giờ chúng mày ra chó, chúng mày còn lại thăm tao rư?”

Ba người đó từ sau tuyệt tích ở sân bà.


(Trích hồi ký
Tự phán)