Ðể thành công, cần có tài trong cái lĩnh vực muốn thành công và cần gặp thời.

Cao Bá Quát không được vua trọng dụng, kêu “hơn nhau cũng một chữ thì”, ngụ ý mình không gặp may chứ mình có tài làm việc nước. Ai biết thực ra ông có tài ấy hay không.

Bất đắc chí trong đeo đuổi “công hầu”, nhưng khi làm thơ Cao Bá Quát đã được “danh toại”. Là bởi ở đây hai cái “cần” vui vẻ hội ngộ: trong cái “thì” của ông, chuyện văn chương vàng thau không hề lẫn lộn, cứ hễ giỏi thì nhất định sẽ nổi tiếng.

(Thu Tứ)



Cao Bá Quát, “Hơn nhau cũng một chữ thì”




Chẳng lưu lạc, dễ trải mùi nhân thế,
Còn trần ai, khôn tỏ mặt công hầu.
Ngất ngưởng thay con Tạo khéo cơ cầu,
Muốn đại thụ hãy ghìm cho lúng túng.(1)

Thân hệ bang gia chung hữu dụng,
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hưu.
(2)
Hẵng bền lòng chớ chút oán vưu,
Thời chí hỹ, ngư long biến hóa.(3)

Thôi đã biết cùng, thông, là mệnh cả,(4)
Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi.(5)
Hơn nhau cũng một chữ thì.


(
Tuyển tập thơ ca trù, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1987)





_______________
Chú thích của sách:
(1) Ðại thụ: trao cho việc lớn.
(2) Thân mình gắn bó với nước nhà, thế nào rồi cũng được dùng,
Trời sinh ra người tài giỏi lẽ nào lại cho nghỉ ngơi.
(3) Thời đã đến, cá rồng biến hóa.
(4) Lúc may, lúc rủi đều là số phận.
(5) Làm tôi tớ cho hình hài, thể xác.