Ngờ Huy quận “rờ chính cung”, thậm chí dòm dỏ ngôi chúa, cũng phải thôi. Móc sắt với kéo treo ở chợ, chắc không chỉ mới lủng lẳng mà “dân chúng kinh kỳ đều sợ nơm nớp”, chắc là đã có móc, cắt vài cái không xương rồi! (Thu Tứ)



Ngô Thời Chí, Hoàng Lê nhất thống chí (II.2)




Chương II


Lập Điện đô, bảy quan nhận di chúc,
Giết Huy quận, ba quân phò Trịnh vương.



Hồi 2: HUY QUẬN LÀM TRỜI


Sau khi chúa tắt thở, quận Huy một mặt cắt đặt cho các quan lo liệu việc tang lễ, một mặt sai Thuỳ trung hầu sao lấy mấy bản thư cố mệnh và tờ sách phong Tuyên phi đưa ra chính phủ, để cho các quan triều tâu lên vua Lê.

Ngay hôm ấy, vua Lê hạ sắc dụ lập thế tử Cán làm Điện đô vương.

Trăm quan liền đem nghi trượng, binh lính đến cửa Kính Thiên để rước sắc về phủ chúa.

Đến phủ, quan a bảo Diễm quận công bế thế tử đã được mặc áo triều, đội mũ, mang đai màu hoa quì ra đứng đón ở sân, quỳ xuống nhận sắc.

Xong đó, ngoài phủ đường đã đặt sẵn sập ngự, quận Diễm bồng thế tử Cán lên ngôi chúa. Các quan theo thứ tự lần lượt vào lễ mừng. Lễ xong, quận Diễm lại bế chúa mới vào cung Huỳnh để lạy thánh mẫu. Rồi sau đấy, mọi người đều thay triều phục, mặc áo trở để làm lễ phát tang.

Lúc Thịnh vương còn sống có soạn ra cuốn Vạn niên thư, phàm việc tang lễ từ lễ “phạm hàm” đến lễ “đại tường”, “nhập miếu”(1), nghi tiết như thế nào đều chua rõ; cho cả đến mấy chữ miếu hiệu “Thánh tổ Thịnh vương” cũng được ghi sẵn. Nay cứ theo đó mà làm.

Bảy viên đại thần ngày đêm túc trực ở trong phủ, chia nhau coi sóc mọi việc.

Lại nói về bảy viên phụ chính này.

Khanh quận công tên là Trịnh Kiều, tức là con thứ năm của Hy tổ Nhân vương, và là em Nhị tổ Ân vương, đối với chúa mới là hàng ông chú. Kiều là bậc tuổi cao, đức cả, song tính tình chất phác, thật thà, đối với công việc nên hay không nên cũng mặc, chẳng có ý kiến gì.

Hoàng quận công tên là Nguyễn Hoàn, người làng Lan Khê huyện Nông Cống, đỗ tiến sĩ khoa Quí Hợi (1743). Trước Hoàn làm hữu tư giảng cho Thịnh vương, sau lên đến chức thượng thư bộ Lại, rồi làm Tham tụng. Hoàn đã về trí sĩ nhưng lại bị gọi ra tham dự triều chính, Hoàn là một vị trọng thần của nhà nước, nhưng tính người hoà hoãn, chìm nổi theo đời, gặp việc thường dè chừng, không quyết đoán.

Tứ xuyên hầu tên là Phan Lê Phiên (có sách chép Duy Phiên hoặc Trọng Phiên), người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757). Phiên từng làm tả thị lang bộ Hộ, làm tham tụng; là người có phong độ đoan trang, học vấn rộng rãi, nhưng tính nết thâm trầm lại hay nương nhờ vào bọn quyền thế.

Châu quận công, Diễm quận công và Thuỳ trung hầu đều xuất thân từ hàng quan hoạn.

Châu quận công tên là Lê Đình Châu, người làng Liên Hồ, huyện Ngọc Sơn, hầu hạ các chúa trải đã mấy triều. Châu có làm chức tri binh phiên cơ mật, là người trung hậu, lúc đã già vì là bậc kỳ cựu, nên được vào chính phủ, nhưng không giữ việc gì.

Diễm quận công tức Trần Xuân Huy, người làng Khoái Lạc, huyện Thiên Bản; nguyên là gia thần của Thịnh vương, khi vương chưa lên ngôi. Lúc Thịnh vương lên cầm quyền, Huy được giao cho chức tri hộ phiên. Huy là người thuần thục, cẩn thận. Thịnh vương rất tin, sai Huy làm a bảo cho thế tử, ngày đêm ở luôn bên cạnh thế tử, không dự gì đến những việc bên ngoài.

Thuỳ trung hầu tên là Tạ Danh Thuỳ, người làng Khang Thượng, huyện Yên Mô, từng làm chức xuất nạp (một chức quan hầu cận của vua chúa chuyên giữ việc phát nhận giấy tờ, và truyền đạt mệnh lệnh) rồi lại làm trấn thủ Thanh Hoa (thời Lê trung hưng, Thanh Hoá gọi là Thanh Hoa). Thuỳ là người cơ trí, giỏi văn học, biện luận như gió. Thịnh vương vốn tin trọng, sai Thuỳ làm chức bảo vệ cho thế tử; nhưng vì Thuỳ tuổi trẻ chưa có danh vọng gì mấy, nên không tránh khỏi phải lép vế và chiều theo ý những kẻ đồng liêu.

Bởi vậy, hết thảy mọi việc trong thiên hạ đều do một tay quận Huy quyết định, không có ai bàn qua nói lại gì hết.

Nguyên sáu người kia, không phải hết thảy đều một lòng với quận Huy cả. Chẳng qua thấy họ có địa vị và danh vọng, nên quận Huy mới lôi kéo họ vào cùng cánh với mình để họ khỏi có ý khác mà thôi.

Chỉ Diễm quận công vốn là phe đảng của Thị Huệ, xưa nay lại rất ăn ý với Tứ xuyên hầu; nên hai người này đều một bụng một dạ với quận Huy. Song quận Diễm là người dốt nát, ít hiểu biết, việc gì cũng phải nhờ Tứ xuyên hầu chỉ vẽ cho; mà Tứ xuyên hầu thì cũng như quận Huy, đều đang mê mẩn trong tình thế lúc bấy giờ.

Còn Hoàn quận công là bậc lão nho. Thuỳ trung hầu là hạng khôn vặt. Rút lại không lường được bụng dạ của họ ra sao.

Trong đó, thực thà không có ý gì, duy chỉ có Khanh quận công và Châu quận công mà thôi.

Quận Huy tự đứng làm chủ cuộc, phàm mọi việc đều tự mình gánh vác, không cần đùn đẩy cho ai; người khác có đồng ý hay không, Huy cũng chẳng thèm kể đến.

Lúc đó, chúa mới lên ngôi, vì còn thơ ấu nên người trong nước không khỏi có ý ngờ. Ở phố phường người ta túm năm tụm ba bàn tán. Kẻ nói chúa mới bị bệnh rất nặng, chưa biết chừng ngày nào đó trong cung sẽ có biến; quận Huy uy quyền lớn quá, không khéo hắn sẽ cướp nước mất. Người bảo chính cung tư thông với Huy, ả sắp đem xã tắc giao phó cho quận Huy. Bấy giờ, đầu đường xó chợ có câu ca dao như sau:

“Trăm quan ít sáng nhiều mờ
Để cho Huy quận vào rờ chính cung.”(2)

Huy nghe tin, bèn sai quan đề lĩnh đem móc sắt và kéo treo khắp các chợ, doạ rằng những ai còn dám tụ họp nói chuyện thì sẽ móc lưỡi cắt đi. Do đó, ở ngoài đường sá người ta chỉ dám ghé mắt ngó nhau; dân chúng kinh kỳ đều sợ nơm nớp.






















____________
(1) Phạm hàm: Lễ đặt vàng, ngọc hoặc các của quí khác vào trong miệng người chết. Đại tường: Lễ giỗ sau khi chết hai năm. Nhập miếu: Lễ rước linh hồn vào nhà thờ, để thờ chung với các tổ tiên.
(2) Có sách chép: “Trăm quan có mắt như mờ”. Lại có sách chép: “Sáu ông cố mệnh ngẩn ngơ”.