Người đồng cao được ăn bánh khúc sớm hơn người quê bãi mấy tháng. Vì bánh khúc đồng “ăn vào những ngày đông rét mướt”, trong khi bánh khúc bãi phải đợi đến tháng hai tháng ba mới có... (xem bài của Thanh Hào). Quê không phải rừng. Nhưng quê cũng có “những cái hoang dại”. Tuy dại mà vẫn ngon. (TT)



Tô Hoài, “Bánh khúc đồng cao”




Trên những cánh đồng ruộng cao chưa làm mùa quanh chân tre, cây lá bánh khúc nở hoa vàng long lanh đọng hạt nước mưa trong làn phấn mưa trăng trắng. Mùa này may ra mới được ăn bánh khúc thật chứ không phải chỉ ăn tiếng rao đêm “khúc, bánh khúc”, còn bánh thì nặn bằng cẳng rau muống băm. Lá khúc mọc hoang trên những mảnh ruộng cao cạnh chân tre, trẻ con ngắt cả hoa cả lá đem về giã ra (...) lá gai, lá khúc (...) những cái hoang dại mà đậm đà vị quê (1) (...)

Tháng mười gặt hái đã đoạn, trên những thửa ruộng cao quanh chân tre, khóm lá bánh khúc đã mọc khắp mặt ruộng. Từng cây lá bánh khúc như cây ngải cứu, như lá cúc tần xanh nhạt. Sáng hôm ấy, đứng cổng đồng nhìn ra, hoa khúc nở vàng rợm trên chòm lá khắp mặt ruộng, như hoa cải, như đàn bướm vàng nhởn nhơ. Thế là cây khúc ra hoa đã ngắt lá được, sắp có bánh khúc ăn rồi. Những túm lá và hoa đẫm sương được hái về từng thúng. Trong hiên nhà nào cũng giã lá khúc, tiếng chày va côm cốp như giã cua cối đá. Miếng bánh khúc nhân đậu mỡ vừa bùi vừa béo ngậy (2) (...)

Bánh khúc làm bằng lá khúc, cây dại mọc hoang ở các cánh đồng cao khi gặt hái ngày mùa đã xong. Người ta đi hái lá khúc, giã ra nặn thành bánh nhân đậu xanh. Bánh khúc ăn vào những ngày đông rét mướt (3)


______________
(1) Tô Hoài,
Bút ký, nxb. Hội Nhà Văn, 2000, tr. 255.
(2) Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000, tr. 569.
(3) Tô Hoài,
Giấc mộng ông thợ dìu, nxb. Hội Nhà Văn, 2006, tr. 204.