Tóm lược của G. Coedès sau đây gần như là “bộ xương” của thuyết Bình Nguyên Lộc về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Gần như chứ không hẳn, vì Coedès không biết chủng Cổ Mã Lai từ đâu tới, trong khi BNL khẳng định chủng Mã Lai xuất phát từ Tây Tạng. Coedès cũng không nói gì rõ ràng về chuyện người Mã Lai có mặt lâu đời ở Hoa Nam, trong khi BNL cho rằng họ tới Hoa Nam cách nay 6.000 năm. Sau cùng, về chuyện một số người Mã Lai di cư ra khỏi Hoa Nam cách nay khoảng 2.500 năm, BNL thấy Coedès có sai lầm quan trọng. (Thu Tứ)



Coedès, G., “Người Cổ Mã Lai”




Tóm lược của G. Coedès (nguyên Viện trưởng Viện Viễn Ðông Bác Cổ) về những công trình khảo tiền sử ở toàn cõi Á châu (...) Sách (...) ra đời năm 1962 (ở Pháp) (…)

1. Cách đây lối 5.000 năm, chủng Anh-đô-nê-diêng, tức Cổ Mã Lai, từ đâu không biết, và không biết vì lẽ gì, di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến Ðài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương. Ðồng thời họ cũng di cư sang đông Ấn Ðộ rồi từ đông Ấn Ðộ họ đi sang Ðông Dương (...)

2. Sọ của bọn Cổ Mã Lai nầy cho thấy rằng họ có lai giống với một nhóm Mông Cổ (...

3. Tại Miến Ðiện xưa, và Cao Miên xưa, tức ở Trung Lào nay, bọn Cổ Mã Lai lai giống quá nhiều với dân thổ trước, thuộc chủng Mê-la-nê, có lai nhiều vì ở những nơi đó chủng Mê-la-nê đã tiến bộ lắm, bắt đầu tiến tới thời đại Tân Thạch, giỏi gần bằng bọn mới đến. Thế nên bọn di cư ấy mới đen da. Ở Cổ Việt Nam thì thổ trước Mê-la-nê còn ở trong thời đại Cựu Thạch nên rất ít có hợp chủng Cổ Mã Lai + Mê-la-nê, thế nên người Việt trắng da hơn Môn và Khơ Me.

4. Vũ khí và dụng cụ độc nhứt của họ là lưỡi rìu đá mài có tay cầm.

5. Cạnh sọ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm không thấy dụng cụ xay, giã, nghiền hay tán gì hết để có thể kết luận rằng họ đã biết trồng trọt.

6. (...) còn một đợt di cư sau, cũng là của chủng Cổ Mã Lai, sau đó lối 2.500 năm, nên bọn trước được đặt tên là Austro-asiatiques (1) để phân biệt với bọn sau (...)

7. Cách đây lối 2.500 năm chủng Cổ Mã Lai từ cực nam Hoa Nam đi thẳng xuống bán đảo Mã Lai Á, rồi từ đó sang Nam Dương quần đảo và từ Nam Dương sang Madagascar và Phi Luật Tân. Có một bọn đi ngược lên Nhựt Bổn.

8. Sọ của bọn sau, thuần chủng Cổ Mã Lai, không có lai giống với nhóm Mông Cổ nào hết.

9. Vũ khí của họ là lưỡi rìu đá mài hình chữ nhựt.

10. Cạnh lưỡi rìu có nhiều dụng cụ cho thấy họ đã biết nông nghiệp và nhứt là biết làm đồ đất nung, biết nuôi súc vật. Khoa học đặt tên bọn sau là Austronésiens (2).


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971)























_______________
(1) Nghĩa là Nam Á.
(2) Nghĩa là Nam Đảo.